"Hôm qua, ngày của mẹ, mà tôi quên"
Lê Giang
Tôi không để ý đến điều đó cho tới tận cuối ngày, khi lần mò vào trang cá nhân mới thấy trên đó ngập đầy những lời chúc mọi người dành cho Mẹ.
Đã quá muộn để gọi một cuộc điện thoại về nhà. Tôi nằm đọc hết những dòng mà người quen, bạn bè viết cho mẹ của họ. Từ những cô cậu học sinh còn mải chơi vô lo vô nghĩ, cho đến những người trên đầu đã hai thứ tóc, những dòng viết về mẹ vẫn rưng rưng. Có người may mắn vẫn còn mẹ ở bên, có những người chẳng bao giờ còn cơ hội nói với mẹ những lời yêu thương ấy nữa.
Khi còn nhỏ, mỗi chúng ta có lẽ đều không hề biết cuộc đời của chúng ta may mắn đến mức nào khi có mẹ. Chúng ta chỉ quen đòi hỏi, trách hờn, thụ hưởng tình yêu của mẹ như một điều tất nhiên. Cho đến khi chúng ta trưởng thành, làm cha mẹ của một đứa trẻ mới hiểu mẹ cha đã vất vả vì chúng ta nhiều như thế nào.
Thật sự, phải đến khi làm mẹ rồi tôi mới nhận ra mẹ của mình là người phụ nữ tuyệt vời nhất, là người quan trọng nhất trong đời tôi chứ không phải là một người đàn ông nào đó tôi có thể đã từng yêu đến chết đi sống lại.
Có những thời điểm nào đó trong tất bật cuộc đời, những nỗi lo toan nhỏ nhặt, những mệt mỏi cứ chất chồng lên, cẳng thẳng đến mức chỉ biết ngồi khóc và muốn được về nhà chỉ để ăn một bát cơm mẹ nấu. Một người chị bảo tôi:
"Nếu nhớ mẹ thì về nhà đi em, đừng để cho mình phải thèm mẹ."
Nhưng, nỗi nhớ thì gần mà đường về thì xa xôi quá đỗi. Khi đã có gia đình riêng rồi, có con nhỏ rồi, khi những chuyến đi phải được lên kế hoạch rõ ràng thì có những mong muốn phải kìm nén xuống tận đáy tim, như mong muốn được trở về nhà - nơi có mẹ.
Tôi có người cô không lấy chồng. Năm bốn mươi hai tuổi, cô đánh liều xin người ta một đứa con. Thời cô tôi:
"Không chồng mà chửa."
Là chuyện ghê gớm lắm, không như bây giờ phụ nữ có hẳn quyền làm mẹ đơn thân với cái nhìn cởi mở của cộng đồng.
Vượt qua mọi chì chiết của gia đình, mọi đàm tiếu của làng xóm, cô sinh được một cô con gái. Những mong có một đứa con, sau này mẹ con hủ hỉ vởi nhau, khi về già còn có con làm điểm tựa. Ngờ đâu, đứa con gái không được ngoan như cô kì vọng. Học hết lớp 10, nó giấu mẹ bỏ học rồi lang bang đi làm hết chỗ này đến chỗ khác.
Mười bảy tuổi, em yêu một chàng trai rồi để dính bầu. Chuyện đã rồi, hai bên gia đình không còn cách nào khác ngoài việc cho chúng nó làm đám cưới. Hai đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải làm cha làm mẹ, rồi cơm không lành, canh chẳng ngọt, tình yêu con trẻ nhỏ bé hơn cái tôi. Con nhỏ chưa đầy ba tuổi, bố mẹ đã dắt nhau ra tòa.
Để con lại cho nhà chồng nuôi, em trở về nhà với mẹ. Ba năm lấy chồng, em quay về với hai bàn tay trắng, một cuộc hôn nhân dang dở và những vết rạn da chi chít trên cái bụng hãy còn chưa qua tuổi đôi mươi.
Từ nhỏ đến lớn, em làm cô tôi buồn nhiều hơn vui. Mọi người ai cũng xúm vào bày dạy, mắng mỏ, chỉ trích. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu mình ở vào hoàn cảnh cô chắc buồn phiền mà phát điên, nhưng cô tôi chỉ nói "Giờ biết làm sao, không lẽ thấy người ta bạc đãi con mình, xỉa xói con mình rồi cô cũng hùa vô chửi nó. Cô là mẹ nó, cô đẻ nó ra mà".
Hôm qua, em viết lên trang cá nhân:
"Có thể con chưa bao giờ nói ra, có thể mẹ cũng chưa bao giờ cảm nhận được. Nhưng sự thật là, con yêu mẹ."
Tôi bảo em:
"Cô không biết facebook là gì đâu. Mày viết lên đó, ai cũng đọc được, chỉ cô là không. Về mà nói với mẹ ý."
Em phản hồi:
"Làm sao mà nói được."
Sau rồi, tôi cứ nghĩ, nếu hôm qua tôi biết đó là Ngày của Mẹ sớm hơn thì tôi sẽ làm gì? Chắc cũng chỉ là gọi điện về nhà hỏi mẹ ăn cơm chưa? Mẹ có khỏe không? Ở nhà dạo này có gì mới không? Hình như tôi cũng chưa bao giờ nói câu "con yêu mẹ", trong khi viết cho người khác đọc thì rất nhiều.
Khi ta yêu một người nào đó, sao ta có thể dễ dàng nói lời yêu, dù đó là người làm ta đau khổ, làm ta tổn thương. Mà với một người sinh ra ta, yêu ta hơn cả mạng sống của mình thì ta lại khó nói một lời yêu đến thế.
Vậy nên một đứa vụng về ăn nói như tôi lại tự an ủi mình: Dù miệng có nói nghìn lời yêu mẹ mà để mẹ buồn thì có ích chi. Yêu mẹ, là phải sống thật khỏe mạnh, sống thật tử tế, đừng để mẹ lo lắng, đừng làm mẹ buồn phiền. Yêu mẹ, là dù có đi đâu, dù có bận rộn cỡ nào thì cũng đừng quên có mẹ luôn mong chờ trông ngóng. Là quan tâm tới mẹ nhiều hơn để mẹ biết con dù lớn vẫn là con của mẹ, mẹ dù già cũng chẳng cô đơn.
Hôm qua, Ngày của Mẹ nhưng tôi đã quên, như thể bao ngày vì bận rộn mà tôi quên mình vẫn đang may mắn hơn rất nhiều người vì còn có mẹ. Nhưng có hề gì, nếu còn có Mẹ, chẳng bao giờ là muộn để nói lời yêu thương.
Lê Giang
Tôi không để ý đến điều đó cho tới tận cuối ngày, khi lần mò vào trang cá nhân mới thấy trên đó ngập đầy những lời chúc mọi người dành cho Mẹ.
Đã quá muộn để gọi một cuộc điện thoại về nhà. Tôi nằm đọc hết những dòng mà người quen, bạn bè viết cho mẹ của họ. Từ những cô cậu học sinh còn mải chơi vô lo vô nghĩ, cho đến những người trên đầu đã hai thứ tóc, những dòng viết về mẹ vẫn rưng rưng. Có người may mắn vẫn còn mẹ ở bên, có những người chẳng bao giờ còn cơ hội nói với mẹ những lời yêu thương ấy nữa.
Khi còn nhỏ, mỗi chúng ta có lẽ đều không hề biết cuộc đời của chúng ta may mắn đến mức nào khi có mẹ. Chúng ta chỉ quen đòi hỏi, trách hờn, thụ hưởng tình yêu của mẹ như một điều tất nhiên. Cho đến khi chúng ta trưởng thành, làm cha mẹ của một đứa trẻ mới hiểu mẹ cha đã vất vả vì chúng ta nhiều như thế nào.
Thật sự, phải đến khi làm mẹ rồi tôi mới nhận ra mẹ của mình là người phụ nữ tuyệt vời nhất, là người quan trọng nhất trong đời tôi chứ không phải là một người đàn ông nào đó tôi có thể đã từng yêu đến chết đi sống lại.
Có những thời điểm nào đó trong tất bật cuộc đời, những nỗi lo toan nhỏ nhặt, những mệt mỏi cứ chất chồng lên, cẳng thẳng đến mức chỉ biết ngồi khóc và muốn được về nhà chỉ để ăn một bát cơm mẹ nấu. Một người chị bảo tôi:
"Nếu nhớ mẹ thì về nhà đi em, đừng để cho mình phải thèm mẹ."
Nhưng, nỗi nhớ thì gần mà đường về thì xa xôi quá đỗi. Khi đã có gia đình riêng rồi, có con nhỏ rồi, khi những chuyến đi phải được lên kế hoạch rõ ràng thì có những mong muốn phải kìm nén xuống tận đáy tim, như mong muốn được trở về nhà - nơi có mẹ.
Tôi có người cô không lấy chồng. Năm bốn mươi hai tuổi, cô đánh liều xin người ta một đứa con. Thời cô tôi:
"Không chồng mà chửa."
Là chuyện ghê gớm lắm, không như bây giờ phụ nữ có hẳn quyền làm mẹ đơn thân với cái nhìn cởi mở của cộng đồng.
Vượt qua mọi chì chiết của gia đình, mọi đàm tiếu của làng xóm, cô sinh được một cô con gái. Những mong có một đứa con, sau này mẹ con hủ hỉ vởi nhau, khi về già còn có con làm điểm tựa. Ngờ đâu, đứa con gái không được ngoan như cô kì vọng. Học hết lớp 10, nó giấu mẹ bỏ học rồi lang bang đi làm hết chỗ này đến chỗ khác.
Mười bảy tuổi, em yêu một chàng trai rồi để dính bầu. Chuyện đã rồi, hai bên gia đình không còn cách nào khác ngoài việc cho chúng nó làm đám cưới. Hai đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải làm cha làm mẹ, rồi cơm không lành, canh chẳng ngọt, tình yêu con trẻ nhỏ bé hơn cái tôi. Con nhỏ chưa đầy ba tuổi, bố mẹ đã dắt nhau ra tòa.
Để con lại cho nhà chồng nuôi, em trở về nhà với mẹ. Ba năm lấy chồng, em quay về với hai bàn tay trắng, một cuộc hôn nhân dang dở và những vết rạn da chi chít trên cái bụng hãy còn chưa qua tuổi đôi mươi.
Từ nhỏ đến lớn, em làm cô tôi buồn nhiều hơn vui. Mọi người ai cũng xúm vào bày dạy, mắng mỏ, chỉ trích. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu mình ở vào hoàn cảnh cô chắc buồn phiền mà phát điên, nhưng cô tôi chỉ nói "Giờ biết làm sao, không lẽ thấy người ta bạc đãi con mình, xỉa xói con mình rồi cô cũng hùa vô chửi nó. Cô là mẹ nó, cô đẻ nó ra mà".
Hôm qua, em viết lên trang cá nhân:
"Có thể con chưa bao giờ nói ra, có thể mẹ cũng chưa bao giờ cảm nhận được. Nhưng sự thật là, con yêu mẹ."
Tôi bảo em:
"Cô không biết facebook là gì đâu. Mày viết lên đó, ai cũng đọc được, chỉ cô là không. Về mà nói với mẹ ý."
Em phản hồi:
"Làm sao mà nói được."
Sau rồi, tôi cứ nghĩ, nếu hôm qua tôi biết đó là Ngày của Mẹ sớm hơn thì tôi sẽ làm gì? Chắc cũng chỉ là gọi điện về nhà hỏi mẹ ăn cơm chưa? Mẹ có khỏe không? Ở nhà dạo này có gì mới không? Hình như tôi cũng chưa bao giờ nói câu "con yêu mẹ", trong khi viết cho người khác đọc thì rất nhiều.
Khi ta yêu một người nào đó, sao ta có thể dễ dàng nói lời yêu, dù đó là người làm ta đau khổ, làm ta tổn thương. Mà với một người sinh ra ta, yêu ta hơn cả mạng sống của mình thì ta lại khó nói một lời yêu đến thế.
Vậy nên một đứa vụng về ăn nói như tôi lại tự an ủi mình: Dù miệng có nói nghìn lời yêu mẹ mà để mẹ buồn thì có ích chi. Yêu mẹ, là phải sống thật khỏe mạnh, sống thật tử tế, đừng để mẹ lo lắng, đừng làm mẹ buồn phiền. Yêu mẹ, là dù có đi đâu, dù có bận rộn cỡ nào thì cũng đừng quên có mẹ luôn mong chờ trông ngóng. Là quan tâm tới mẹ nhiều hơn để mẹ biết con dù lớn vẫn là con của mẹ, mẹ dù già cũng chẳng cô đơn.
Hôm qua, Ngày của Mẹ nhưng tôi đã quên, như thể bao ngày vì bận rộn mà tôi quên mình vẫn đang may mắn hơn rất nhiều người vì còn có mẹ. Nhưng có hề gì, nếu còn có Mẹ, chẳng bao giờ là muộn để nói lời yêu thương.