Tên tác phẩm: Tình Yêu Của Mẹ Là Một Liều Thuốc

Tên tác giả: La Tây

Thể loại: Truyện ngắn

Thư Nghi muốn lấy chồng ở Phúc Châu, mẹ cô ra sức phản đối: "Thượng Hải lớn như vậy, sao con lại lấy chồng ở Phúc Châu?".

Thư Nghi thầm nghĩ: Con đã lớn rồi, có cách nghĩ riêng, cũng cần phải có cuộc sống riêng của mình. Thế nhưng, thái độ của người mẹ vô cùng kiên quyết. Thư Nghi không có đường nào thoái lui vì cô đã trót mang bầu với người yêu của mình. Cô cho rằng "Nước chảy đá mòn", dần dần thế nào mẹ cô cũng thay đổi ý kiến và chúc phúc cho họ. Thế nhưng cô đã nhầm, khi cô thuyết phục, bà giận dữ hết lên: "Mẹ rất ghét bị người khác ép buộc, con đang làm như thế đấy. Nếu con đi thì đừng quay lại cái nhà này và cũng đừng gọi mẹ là mẹ nữa".

Một ngày cuối xuân cách đây hai năm, Thư Nghi nắm tay người yêu ở sân bay Phố Đông của Thượng Hải, họ đã làm xong tất cả các thủ tục để lên máy bay. Thế nhưng Thư Nghi vẫn cứ cố đứng ngoài cửa kiểm soát nhìn xung quanh. Cô hi vọng sẽ có một phép màu xuất hiện, phép màu ấy chính là hình ảnh của mẹ cô. Nước mắt Thư Nghi lã chã rơi, lòng cô rối bời. Tiếng loa không ngừng nhắc tên hai người: "Xin mời.. đến cửa số bốn để lên máy bay".

Lúc cô đi, hai mẹ con lạnh nhạt với nhau như hai người dưng. Mấy lần cô đã cố gắng gọi điện về nhà, nhưng người mẹ vẫn nhất định không chịu nhấc máy. Đã có lần Thư Nghi cho rằng chính sự cực đoan của mẹ cô đã khiến cho hai mẹ con trở nên căng thẳng như vậy. Thế nhưng cô lại không biết rằng mẹ cô rất đau lòng vì trong giấc mơ của bà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười trong trẻo của con gái mình thưở nhỏ. Đã rất nhiều lần khi ở nhà một mình, bà định gọi điện cho con gái nhưng mỗi lần nhấc máy lên, bà chỉ bấm đến mã vùng rồi lại bần thần đặt điện thoại xuống.

Cha mẹ Thư Nghi li hôn sớm nên một tay mẹ nuôi dạy cô nên người. Bây giờ đứa con yêu quý ấy không còn thuộc về mẹ nữa. Bà nhớ lại câu chuyện của hai mẹ con hồi Thư Nghi bốn tuổi mà không nhịn được cười:

Con gái hỏi: "Mẹ ơi, con được sinh ra từ đâu vậy?".

Mẹ đáp: "Con chính là miếng thịt được cắt ra từ người mẹ".

Cô con gái đột nhiên chợt hiểu ra: "Chẳng trách mẹ lại gầy thế!".

Bấm đốt ngón tay tính ra con gái bà đã xa nhà được tám trăm ngày rồi. Năm ngoái, trước đêm Giao thừa có cơn bão số bảy, bà đã ngồi liên tục trước tivi để biết tin tức cơn bão. Bà đặc biệt quan tâm đến tin thời tiết ở Phúc Châu vì con gái bà đang ở đó. Bà luôn thể hiện sự quan tâm đến con gái theo cách như vậy.

Chuông điện thoại reo, chỉ cần thấy số hiển thị là bà biết ngay đó là số gọi từ Phúc Châu. Hôm nay bà đã không nhấc máy ba lần rồi. Lần này không biết tại sao người mẹ ấy lại nhấc tai nghe lên. Đầu dây bên kia có tiếng của con rể: "Mẹ, Thư Nghi bị ốm, mẹ có thể đến đây ít hôm được không?". Lòng người mẹ nặng trĩu xuống.

Sáng hôm sau, bà đáp chuyến bay từ Thượng Hải đến Phúc Châu. Khi thấy con rể đón mình ở sân bay, bà nói: "Cũng không xa như mẹ tưởng tượng". Khi biết con gái không ở bệnh viện mà đang ở nhà, bà nổi giận quát con rể: "Có phải các con nói dối như vậy để cho mẹ đến đây không?". Anh con rể lúc đó mới kể hết mọi chuyện. Thực ra, cô con gái nhỏ của họ bị viêm phổi và không chữa được nên đã mất cách đây một tháng. Thư Nghi đau khổ đến tận bây giờ. Nỗi đau không những không nguôi ngoai mà còn trầm trọng hơn. Đến cả chồng mình mà cô cũng không còn nhận ra nữa. Mỗi lần đưa thuốc cho cô uống, cô đều chống cự. Nhiều khi cô còn giơ con dao thái rau lên và gào thét: "Lũ chúng bay đều là những kẻ giết người, lũ chúng bay đã giết chết con tao, khiến cho tao phải đau khổ..".

Nghe đến đây, người mẹ nước mắt lưng tròng, bà không ngừng nức nở: "Con gái yêu của mẹ.. Con gái yêu của mẹ..". Khi bà bước vào cửa, Thư Nghi lại giờ dao lên hăm dọa. Tình thế nguy hiểm ấy khiến không ai dám lại gần. Lúc đó, chỉ có người mẹ già hơn sáu mươi tuổi cúi người về phía trước, vừa khóc vừa gọi tên của Thư Nghi. Ánh mắt vô hồn của Thư Nghi đột nhiên sáng lên, cô buông con dao xuống, ngồi bệt xuống đất lẩm bẩm nói một mình..

Sau đó, bà cẩn thận bón từng miếng cơm cho cô con gái đã ngoài ba mươi tuổi. Mỗi lần dỗ con, bà lại nói: "Con ngoan lắm, ăn thêm một miếng nữa nào". Trong những lời dỗ dành và an ủi của mẹ, nước mắt Thư Nghi đong đầy. Cô hạnh phúc như một đứa trẻ bên cạnh bà, mặt mày hớn hở. Thật nhẹ nhàng và hạnh phúc biết bao..

Những người có mặt ở bệnh viện đầu tiên đều rất kinh ngạc, sau đó thì rơi nước mắt. Thư Nghi đã quên tất cả mọi thứ, chỉ có duy nhất một thứ cô vẫn còn nhớ đó chính là tình yêu thương của mẹ mình.

Sau một thời gian điều trị, cùng với sự chăm sóc của mẹ, cuối cùng cô cũng đã tỉnh táo trở lại. Khi cô cất tiếng gọi đầu tiên: "Mẹ ơi!", tất cả mọi người có mặt ở đó không khỏi xúc động. Bác sĩ nói: "Đây đúng là điều kì diệu. Tình yêu của người mẹ là liều thuốc tốt nhất cho cô ấy".

Đối với một cô con gái đang đau ốm, tình yêu của người mẹ là liều thuốc tốt nhất dành cho con. Khi nỗi đau và sự bất hạnh giáng xuống cuộc sống của con gái, người mẹ đã bỏ đi thành kiến của mình và chăm sóc con chu đáo, tạo nên sức sống kì lạ cho con mình. Câu chuyện là bài ca bất tử về tình mẫu tử.

End.