Để lời nói không là dao

Tác giả: Lưu Đình Long​

Sáng nay, tôi ngồi mỉm cười với Bụt và đọc lại mấy câu ngăn ngắn trên bức thư pháp được tặng, treo khiêm tốn ở góc thất nhỏ: "Lời nói không là dao/ Mà cắt lòng đau nhói/ Lời nói không là khói/ Mà mắt lại cay cay/ Lời nói không là mây/ Mà đưa ta xa mãi/ Sao không ngồi nghĩ lại/ Nói với nhau nhẹ nhàng".

Quả thật, lời nói có thể khiến người bình an, nhưng cũng có thể khiến người chao đảo, đau lòng, đánh mất niềm tin. Không phải tự nhiên mà mình được ông bà dặn dò "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" mà chính bởi tai hại này.

Nói cho người ta đau, người ta tức và chết là lời nói chứa thuốc độc, chứa dao găm. Có thể ta sẽ đạt được mục đích thâm độc nào đó, vì động cơ chính trị, tham vọng hay trả thù, nhưng rồi, cuộc sống tất nhiên sẽ rất công bằng trong định luật "nhân quả". Ông bà mình nói là "gieo gió gặt bão". Nghĩa là, mình gieo oán kiểu đó, vì mưu đồ hay vì tâm thâm độc, thậm chí đơn giản vì thiếu lắng nghe thì mình cũng có thể đã phết vào trong "sơ yếu lý lịch" của mình một vết đen để lãnh hậu quả về sau.

Nói về điều đó ông bà mình cũng dạy "họa tùng khẩu xuất" - chính lời nói mang lại tai họa, trực tiếp cho mình nếu mình trực tiếp xúc xiểm một người nắm trong tay quyền sinh sát; hoặc gián tiếp cho người, nếu mình dùng lời nói nhằm vu oan, đổ tội.. cho người. Ở đó, thể hiện khẩu nghiệp ứng với hiện báo (bị quả báo tức thì) và hậu báo (tức là sẽ bị quả báo về sau này).

Cái miệng mình nguy hiểm như thế, có thể hại thân hại người; tất nhiên nó được quy định bởi nội tâm - hay ý niệm bên trong, lâu ngày huân tập thành thói quen nói thiếu từ bi, chuyên chia rẽ hay nói mà không cần nghĩ tới cảm giác của người khác. Dù sao thì lời nói cũng phần nào thể hiện con người và là cửa sổ để mở nhìn vào bên trong tâm hồn người ấy.

Nói trong lúc sân si thường dẫn tới sai lầm và gây đổ vỡ. Chính vì thế mà có câu "một chút lửa sân đốt tan cả rừng công đức". Trước mắt có thể phủi sạch sự tôn trọng nơi người dành cho mình, hoặc đập bể hết những điều tốt đẹp, lung linh mà có khi mình đã chắt chiu xây dựng trong suốt một quãng đời. Tiếc là, đa số, người ta thường dùng lời nói nặng nhẹ, cay nghiệt hoặc thiếu suy nghĩ để "đấu" nhau trong ván cờ làm người hoặc "chiếu tướng" nhau trong nỗi ngờ vực, ghim guốc khôn lường.

Dù sao đi nữa, thì cái miệng này cần phải tu để không nói những lời làm cay mắt người thân, người thương, không cắt cứa tâm can người mình yêu và biến mối quan hệ tốt đẹp thành hư hao..

Tịnh khẩu khi đó không phải là im lặng bởi im lặng đôi khi cũng là nói rất nhiều điều. Khi đó, mình sẽ biết nói đúng thời, hợp pháp (tức chứa đựng tâm từ và trí sáng), cụ thể sẽ dùng lời ái ngữ khi cần nhưng khi khác có thể dùng lời đanh thép, và khi khác nữa có thể im lặng hùng tráng khiến người ta phải chuyển hóa tâm hồn, vững chãi, an vui.

Mong rằng, không ai phải vô tình hoặc cố ý làm đau nhau bằng lời nói, cũng như không ai phải trở thành nạn nhân của những lời xầm xì ác ý. Cầu mong, những ai đang thủ sẵn đá để ném trên thế giới ảo cũng nên bỏ đá ra một cách nhẹ nhàng, đừng hỗn chiến trên Facebook.

Đừng quên, có thể mình nói lén, nói chỉ có hai người biết hoặc chửi bới dưới một tên "ảo" - không phải là mình - nhưng nội dung của cuộc nói chuyện ấy đã len vào ngõ ngách lòng mình, cắm rễ vào mảnh đất tâm mình. Hạt giống nào gieo xuống thì cây ấy sẽ mọc lên thôi, người ta nhìn vào sẽ biết, không cần biện bạch chi cho mắc công!