Đò Chờ
Một buổi chiều cuối mùa xuân, nắng vừa tàn nhưng phía tây không có hoàng hôn, ở cái bến hoang cuối quãng đồng hun hút gió xuất hiện một con đò dọc. Người đàn ông ôm đứa con gái nhỏ lên bờ, ngồi lặng im bên cây cầu quán cũ mái ngói âm dương xô từng mảng, tường rêu xám dựa lưng vào gốc duối cổ thụ đang mùa hoa.
Sương bắt đầu lan xuống dọc triền đê. Hòn đảo hình chiếc mui rùa lút đầu lau sậy trước mặt nhòa dần, chỉ còn đôi tiếng bìm bịp thoát ra khỏi cái màn xam xám đậu lên những xoáy nước ngầm cứ quẩn bên chân đảo. Đêm đang lên từ phía ấy.
Bóng người bên cầu quán sẫm lại dần như bóng đá. Đứa bé sau khi thẩn tha quanh gốc duối, háo hức nhìn cả một vòm hoa nở trắng trên đầu thì ngồi xuống, nắm tay cha, mắt vẫn dõi theo những cánh hoa li ti lang thang trong gió..
* * *
"Ơi.. đò ơi!".. Agió xuôi con nước. "Mày nghe thấy gì không con?". Cậu con trai đứng bật dậy trên đầu mũi: "Con có! Hình như tiếng người.. Tiếng đàn ông..". "Lạ nhỉ? Chỗ này có phải bến đâu mà gọi. Đi đò dọc phải xuôi thêm quãng nữa. Ai cũng chờ ở đấy.. Thời buổi loạn lạc.. Đồng không mông quạnh.. Đêm hôm thế này..". "Chắc ai đó lỡ độ đường thầy ạ! Cứ thấy đò là gọi..". "Thuyền mình chở hàng. Không chở người.. Mà khéo chả phải người.. Kệ.. Bây giờ nước xuôi, mày xuống lái nụ cho thầy nghỉ một lát. Chốc quặt về Phủ kiểu gì cũng phải chạy mạn. Quãng ấy nước ròng..".
Đêm im lặng.. Chỉ nghe tiếng sóng lóc bóc vỗ bên mạn gỗ..
Hai bên bờ bóng sặt lẫn vào đêm..
"Ơi.. đò ơi!..".
Lại vẫn là tiếng gọi đò từ bên bờ cây đen sẫm. Lần này là tiếng con gái, cao và ngân như tiếng sáo trên cánh đồng mùa thu sau vụ gặt. Cậu bé đảo vội mái chèo: "Thầy ơi! Thầy nghe rõ chứ? Tiếng người, không phải tiếng bờ! Tiếng trẻ con thầy ạ! Chắc người ta cần lắm đấy. Mình tấp đi thầy!". "Ừ thôi đành nhẽ.. Để thầy lái. Mày lên mũi.. Mà thưa một tiếng đi!".
Con thuyền từ từ de ngang mặt nước.
Cái bóng trên mũi thuyền bắc tay gọi về phía trước: "Đò đây.. Ai gọi đò đấy? Ơi bờ!..".
Rặng sặt gần lại dần. Đã nghe tiếng lá sặt rì rào trong gió. Trên triền đê lờ mờ xuất hiện hai bóng người. Người đàn ông dáng trí thức khoác trên vai cái tay nải móp xọp. Cô bé con tầm tám, chín tuổi đem theo một cái túi vải căng phồng. "May quá! Nếu bác không cho lên thuyền, tôi có lẽ phải dắt cháu đi bộ suốt đêm. Sáng mai có về kịp Tràng Thưa không hả bác?". "Nếu cứ nước xuôi gió xuôi thế này.. Ông lên bến nào?". "Đảo Mui Rùa. Cầu quán". "Chỗ ấy bến hoang. Dòng dữ..". "Bác có cho tôi xuống đấy được không?". "Được.. Ông và cháu cứ xuống khoang. Gần đến nơi tôi gọi..".
Không thấy tiếng trả lời..
Suốt đêm, trên mũi thuyền, hai bóng người - một lớn, một bé - ngồi dựa vào nhau nhìn xuyên màn đêm về phía trước. Cho đến tận sáng hôm sau, khi lên bờ, ngoài lời cảm ơn cả hai không nói thêm điều gì nữa. Hai cái bóng lầm lũi dắt tay nhau mất hút trong lòng cầu quán vẫn chìm trong sương. "Chắc họ có chuyện gì thầy ạ!". "Thời buổi này chuyện gì mà chẳng xảy ra. Khổ thân con bé. Phơi sương cả đêm. Mà thôi, chuyện nhà mình còn chả lo xong. Bây giờ thầy chạy mạn cho mày chèo lái, về trả hàng kịp phiên chợ. Nước ròng từ gần sáng, không nhanh là khê".
Người chủ đò chống cây sào bộp thách vào bờ, đẩy con đò về luồng cũ: "Bến này nước quẩn. Chỉ tí là đổi hướng ngay. Tay chèo không cứng đố ai dám dừng ở chỗ này..". "Thầy đã dừng ở đây bao giờ chưa?". "Chỉ mới lần này. Không có việc gì, lại hoang vu, tao cũng không thú lắm..".
Con đò mới qua một quãng, quay nhìn lại, hòn đảo và cây cầu quán đã khuất dạng vào sương.
* * *
Chẳng ai có thể ngờ rằng một trong bốn người trên chuyến đò dọc đêm không trăng ấy, hai mươi năm sau, lại quay trở về bến cũ, ngồi bên cầu quán ngày xưa.
Người đàn ông bừng tỉnh khi đứa bé gái ấp hai bàn tay lên má anh, ghé sát mặt, đầu mũi chạm vào mũi anh lành lạnh: "Bố! Dậy đi! Linh đói!". Đêm sập xuống từ bao giờ. Cả một khoảng mênh mông quanh hai bố con ngập trong bóng tối. "Bố xin lỗi! Mình đi nhé! Ra đảo, làm nhà ở đấy chờ mẹ về..". "Đảo có cây nở hoa kia không hả bố?". "Có! Mẹ cũng thích cây hoa ấy. Ngày xưa mẹ trồng..".
Lối xuống triền đê vẫn ngập cỏ hoang.
Con thuyền cắm sào vẫn đứng lặng yên như đã chờ anh từ hai mươi năm trước.
Ngày ấy, trên dòng sông Sặt có một gia đình lấy con thuyền lõng làm đò dọc chở hàng thuê. Chồng chủ thuyền. Vợ và đứa con trai nhỏ chân sào. Cuối 1954, người vợ theo gia đình bên ngoại di cư vào Nam trước, người chồng và đứa con nún nán ở lại, bảo rằng sẽ đi sau.
Người đàn ông chủ con đò dọc ấy là thầy anh.
Ngày gặp cô, anh mới mười bốn tuổi.
Chuyến đò xuôi chiều hôm ấy chất đầy đến sạp những tải sắn và khoai. Mùa giáp hạt những chuyến xuôi thường đằm hơn chuyến ngược. Quãng gần nửa đêm, trời bắt đầu nổi gió. Sóng hất ngược từ sông lên ướt cả mặt người ngồi chèo mũi. Ngọn đèn dầu trong khoang tắt phụt. Tiếng thầy gọi từ phía sau, ngàn ngạt vì bạt gió: "Hạ tấm liếp che khoang lại kẻo mưa hắt ướt hết hàng. Mang cho thầy cái áo tơi! Mày cũng khoác luôn vào. Cơn này khéo đổ đi không hết nước. Phải chèo cố.. quãng này cũng không có bến trú..".
Thầy không nhắc anh cũng biết điều đó vì con đò đang về ngang đoạn sông có hòn đảo Mi Rùa.
Bắt đầu mưa. Mưa quất chéo tối sầm mặt mũi. Gió vẫn giật. Chưa hết cơn này đã tiếp luôn cơn khác, lôi con đò lên rồi dúi xuống, loay vòng vòng như chơi trò chơi giữa những luồng sét xé dọc màn đêm. Giữa ánh sáng chói lòa, anh nhìn thấy cây cầu quán bên gốc duối: "Thầy ơi! Tấp đi thầy.. Không đi được nữa đâu..". Tiếng thầy nói gì không rõ. Chỉ thấy con đò từ từ xoay ngang, hướng mũi vào bờ.
Khi hai cha con xoay xỏa đưa được con đò vào núp dưới vòm sặt thì cũng là lúc ngớt cơn chớp bể mưa nguồn: "Mấy chục năm đi sông, tao chưa thấy trận giông đầu mùa nào khiếp như này. Áo tơi, nón lá nó giật cho kì hết. Mày vào khoang lấy quần áo khô. Hai thầy con lên cầu quán thay rồi nhóm lửa sưởi cái đã. Phải cảm bây giờ quá tội..". Thầy đi trước. Anh ôm bó củi theo sau. Cách cầu quán và gốc duối già một đoạn, anh rùng mình khi ngửi thấy quẩn trong gió có mùi hương - hương đám ma hắc và tanh chứ không ngọt như hương bài ngày tết: "Thầy ơi! Hình như có người! Con lạnh quá!". "Tao cũng thấy thế. Để yên xem..". Thầy rút cây bùi nhùi đánh lửa. Ánh sáng chập chờn lan theo bước chân lên thềm đất lạnh âm âm: "Ai đấy? Ai ở trong này? Người hay ma?". Tiếng con gái vang lên từ trong bóng tối: "Không phải ma. Bố con cháu là người..".
Lửa gần lại..
Ánh mắt lấp lánh nhìn lên.
Mãi đến sau này anh mới biết có những cuộc gặp gỡ như định mệnh làm thay đổi cả cuộc đời..
* * *
"Bố ơi! Gió nổi rồi! Dong buồm lên đi bố!".
Tiếng Linh lanh lảnh gọi anh từ trên đầu mũi. Nó quay hẳn lại, chống khuỷu tay lên mui thuyền, háo hức chờ cánh buồm mành từ từ rướn lên căng phồng bụng gió. "Thấy chưa bố! Con đã bảo mà. Gió đông nhé!". "Ừ, ai biết cuối năm còn gió này.. May quá.. Hôm nay đằm". "Từ gốm Cậy về lần nào chả thế ạ. Toàn đồ nặng. Nhưng gió này mình xuôi".
Có tiếng trẻ con cười đâu đó vẳng lại rồi một chiếc thuyền đinh xuất hiện từ sau khúc quặt khuất tầm nhìn bởi cánh bãi trồng ngô đang trổ cờ. Ngược gió, cậu con trai và anh chân sào gò lưng kéo sợi dây thừng có cái đai da vòng trước ngực nối với cọc và, vết chân để lại hai hàng lún sâu bên mép sóng. Người đàn ông đánh trần rạp mình sau lái. Chỉ còn cô con gái nhỏ ngồi thảnh thơi trên sạp, kể chuyện gì với bố và cười, tay vẫn còn ôm cả một bó hoa cải vàng vừa hái từ một cánh đồng hoa nào đó ven sông. Trông thấy Linh, nó vừa nhảy choi choi vừa vẫy rối rít.
"Thuyền bác Hưởng kìa bố! Gió ngược quá! Bác Hưởng ơi! Mai ơi!". "Có cần giúp không?" - anh gọi với sang bên ấy. Người đàn ông cười, tiếng trả lời vang cả hai bên bờ sóng: "Không cần. Bố con ông xuôi đấy hẳn? Cẩn thận, Xuân Quan mới nổi doi ngầm.. Thuyền nhà Lởi bị khê ở đấy. Chèo dấn lên, kịp con nước thì đẩy giúp nó..". "Tết về đảo nhé! Làm bữa rượu tất niên!". Bên kia gật đầu. Con bé con vẫn ríu rít nói gì đó với Linh. Xa một quãng sông rồi mà bó hoa cải vàng vẫy theo vẫn rực lên như chấm nắng..
* * * Ngày gặp anh, cô cũng bằng tầm ấy..
* * * Hơn hai mươi năm trước, trên chuyến đò dọc của cha con anh trở về sau cái đêm mưa giông dừng chân nơi cầu quán có thêm hai người khách không biết mình sẽ lên bến nào. Họ là hai cha con. Anh còn nhớ người đàn ông thẫn thờ hướng mắt ra khoảng trống mênh mông đen kịt trước mặt, kể rằng làng mình ở sau cánh đồng kia. Ở đấy, thầy bu anh cả đời nhịn ăn nhịn mặc, quần quật từ sáng sớm đến tối khuya chỉ để tích cóp tậu trâu, mua ruộng, mua vườn, dựng mấy gian nhà gạch bức bàn và dồn tiền nuôi anh - người con trai duy nhất ăn học. Cầu quán này là của thầy anh xây làm phúc từ lúc nơi đây còn bến sông. Đám ruộng dưới kia cũng của nhà nhưng sau này hiến hết cho chính phủ. Vậy mà đợt cải cách vừa rồi vẫn bị đấu tố, quy địa chủ phản động. Anh được tin, về đến nhà thì thầy đã bị xử tử. Bu anh quẫn trí thắt cổ chết theo. Có ngôi nhà để thờ thầy bu cũng bị trưng dụng làm trụ sở. Hôm nay tròn bốn chín ngày..
Người đàn ông gục đầu xuống hai đầu gối, hực lên từng tiếng trong cơn khóc. Cô bé con im lặng, ôm vai bố. Ánh lửa chập chờn soi bên kia cầu quán, chỗ cửa hướng về làng có một tàu chuối trải trên nền đất trên đặt khúc thân chuối cắm nắm chân hương, hai cái bài vị khắc gỗ và một nải quả vẫn còn xanh: "Họ hàng tránh mặt vì sợ liên lụy. Không còn chỗ cúng thầy bu, tôi đành về chỗ này, gọi là có nén hương ngày chung thất, cầu siêu.. Ở quê, may còn cái cầu quán này của thầy bu tôi chưa ai chiếm..". "Thế đêm qua, ông với cháu từ đâu về?". "Từ Hà Nội. Tôi và nhà tôi cùng làm ở bệnh viện Xanh Pôn nhưng nhà tôi mất sớm, để lại con bé này. Ở trên đấy phải giấu thân phận nhưng chẳng biết sao cũng lộ rồi. Họ cho tôi nghỉ, chờ bố trí công việc khác.. Chỉ thương con..". Nước mắt người đàn ông chảy thành vệt trên hõm má. Cô bé lặng lẽ đứng dậy, lục trong tay nải, khoác lên vai bố thêm một chiếc khăn len.
Lửa tàn dần..
Con đò dọc nhổ sào rời vòm sặt..
Những chuyến đi cuối cùng trên dòng sông thầy con anh quen tính từng con nước từ Xuân Quan, Cống Tranh đến Âu Thuyền mùa xuân năm ấy, có hai người đàn ông và hai đứa bé hợp thành một gia đình.
Ấy là những ngày tháng hai năm 1955.
Mùa xuân về hai bên bờ sông Sặt, bình yên như muôn mùa xuân trước, không màng đến những đắng cay, bão tố trong lòng người. Những bãi dâu cứ xanh ngút qua tầm mắt lẫn vào phía làng xa. Những ngôi nhà ven sông có bậc hiên bằng đất hoa xoan tím vẫn nở từng chùm. Và những tháp chuông nhà thờ vẫn ẩn hiện mơ hồ trong màu mưa như khói. "Làng tôi theo đạo gốc. Chỗ tháp chuông cao nhất ấy. Từ cuối năm ngoái, cả làng lục tục gánh gồng theo Cha tinh thần vào Nam gần hết. Thực tình tôi không muốn đi. Đồng đất, sông nước quê mình gần một đời gắn bó. Nhưng nhà tôi đi trước rồi. Lần lữa, chần chừ, quay đi quay lại mà sắp hết hạn 300 ngày. Vài hôm nữa phải lên đường thôi. Hay hai bố con ông cùng đi.. Ở đây cũng chẳng còn gì..". Thầy anh rót thêm rượu vào chén cho khách, ngỏ lời.
Những chuyến đò dọc cuối cùng không hàng hóa, không bến đỗ, cứ ngược xuôi lưu luyến đi về theo dòng cũ. Qua cầu quán bao giờ cũng dừng lại để thắp hương lễ vọng về làng rồi anh lựa dòng đưa cô sang đảo. "Con bé thích thì cho nó sang. Nó không nói nhưng trông cái nhìn thì biết. Bác bảo còn phần mộ thầy bu, không đi được, cũng phải. Tôi tính cũng chỉ đi một vài năm, chờ tổng tuyển cử, thống nhất lại về. Bác nhớ cho thằng bé nhà tôi làm con rể. Chúng nó bay nhảy đâu tùy, mình về đây làm cái nhà ở đảo, đưa hai cụ sang.. Rồi ta kiếm con đò..".
* * *
* * * Có tiếng hát nho nhỏ lẫn vào trong tiếng sóng róc rách. Linh đang ngồi, vừa vá lưới vừa khỏa chân xuống nước. Cái dáng nhìn nghiêng với mái tóc dài đổ bóng giống hệt mẹ nhưng giọng hát lại giống một người - một cô bé, tối nào cũng ngồi trên mũi thuyền hát theo tiếng gõ nhịp xuống mặt sàn của bố: Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung.. Anh muốn thành mây, nương nhờ làn gió. Đưa anh đến cõi mơ hồ nào đây.. . Những lúc ấy quanh anh im lặng hết. Con đò cũng buông chèo trôi trong sương..
Họ chia tay nhau vào một buổi sớm cuối tháng ba ở bến hoang nơi cầu quán. Đêm trước khi đi, anh ghé thuyền sang đảo, cô ngồi bên lái tay ôm khư khư bầu đất nhỏ: "Cây duối này mình trồng. Ngày anh về là lớn.". Anh bạt một khoảnh cỏ tranh sâu vào sau mép nước: "Đặt lui vào đây một tí. Phòng khi nước lên. Ngày mai anh và thầy xuôi Âu Thuyền rồi sang Thái Bình đi Hải Phòng lên tàu vào Nam. Sang năm lại về..".
Không bao giờ anh có thể quên cái dáng bé nhỏ chạy theo sau thuyền suốt dọc triền đê cho đến khi khuỵu xuống, rồi mờ lẫn vào với cỏ. Dòng Thái Bình mở ra trước mắt, bờ xa xanh hút mắt người..
* * *
"Thế bố đi bao nhiêu năm hả bố?".
Linh ngẩng đầu lên nhìn anh. Nó đang cẩn thận quết lượt nước hồ lên mặt sau bức tranh gà để dán lên vách mui thuyền. Màu hoa đào rực lên góc bức tranh như lửa.
"Tính tất cả là hai mươi mốt năm..". "Sao không có tổng tuyển cử thống nhất?". "Không biết. Chỉ thấy chiến tranh..".
Không phải chỉ anh và thầy mà rất nhiều người cả hai miền bị lừa vì cái ngày không bao giờ đến ấy. Người làng vào dạt trôi tứ tán. Hai thầy con anh mãi mới tìm được bu rồi cả nhà dắt díu nhau về Long Khánh. Thầy bảo dừng ở đây, đất đai nhiều thế này mình trồng trọt cấy hái, yên phận làm ăn, không về được ngay thì chờ, chỉ cầu sớm bình yên, cùng là máu thịt mình cả cứa vào đâu cũng xót. Rồi lại rân rấn nước mắt chẳng biết ông bác sĩ với con bé bây giờ như thế nào, toàn người tử tế mà tội nghiệp. Giá đừng loạn lạc nữa để tao về.. Mùa này bên sông đang là mùa măng sặt..
Mười tám tuổi anh vào quân dịch. Huấn luyện bộ binh ba tháng ở Quán Tre rồi đeo thẻ bài, khoác chiếc ba lô nhét tấm Poncho dưới đáy lên đường. Mỗi lần về qua nhà anh đều bảo thầy đừng khóc, bây giờ con biết làm sao. Con cũng muốn bị người ta bắn chết, bị pháo câu, bị bom trúng cho banh xác để khỏi nhìn thấy máu, khỏi chạm tay vào máu nhưng con cũng muốn sống để chờ.. Con muốn về thầy ạ. Mỗi lần ngồi trên trực thăng nhìn xuống Cần Giuộc, thấy những dòng kinh im lặng giữa xanh um dừa nước con lại nhớ về dòng sông của thầy con mình xanh bóng sặt. Con muốn sống để về đảo, để gặp em ấy chứ cứ nhớ em ấy chạy theo thuyền mình như thế tội lắm thầy ơi..
Cuối Mậu Thân, tình hình căng thẳng. Thương vong nhiều. Anh bảo thầy nếu con có sao, thầy cố chờ đến ngày ấy, mang thẻ bài của con về đảo chôn dưới gốc duối hai đứa trồng, thầy tìm em ấy, bảo em rằng con ở đấy.. vẫn chờ..
Anh đã sẵn sàng cho chuyến trở về nếu không có trận giáp chiến giữa rừng tràm mùa khô ấy..
Trái lựu đạn thằng bạn quăng hụt trên đường rút nổ ngay phía sau lưng, đập anh ngã sấp. Cơn đau lan từ ngực. Tiếng súng xa dần.. Tiếng chân người hối hả. Trước khi bóng tối trùm lên anh còn thấy tay mình chạm vào sông, thấy một con đò dọc giương buồm cánh én căng phồng, im lặng xuôi về chân trời.. Rồi có cái gì rất nặng kéo anh chìm xuống mặt sình.. buông lơ, không thở nữa.. Nó dẫn anh bắt đầu cuộc hành trình..
Có tiếng ai gọi tên anh từ trong sương mù. Tiếng con gái. Mơ hồ nhưng rất quen. Lúc đầu xa. Sau gần sát lại, đâu đó bên tai, giục anh dậy đi, dậy nghe em nói, gấp lắm rồi, em không ngờ gặp anh trong hoàn cảnh này, cũng không ngờ nhận được ra anh, anh khác quá nhưng vết sẹo cái lần cây sào gãy, cắt chéo một vệt từ trán xuống cuối chân mày vẫn thế.. Em đây, con bé con đi theo bố ngày xưa gọi đò trong đêm anh nhớ không? Bố hi sinh rồi, năm ngoái, ở chiến trường Tây Ninh. Em cũng vừa tốt nghiệp Y khoa theo nghề bố, xung phong vào đội phẫu thuật tiền phương. Vừa rồibên anh rút, bỏ lại nhiều người chết lắm. Chắc họ tưởng anhcũng chết rồi. Em cũng thế, nếu không vì linh cảm thì đã không dừng lại, lật anh lên trong vũng sình. Anh bị thương nặng, mất nhiều máu nhưng vẫn còn sống. Nhiệm vụ của em là cứu người. Bên nào cũng thế thôi. Sơ cứu xong em mới nhận ra anh nhờ vết sẹo và thông tin trên tấm thẻ bài, em cởi bỏ, giấu bộ quần áo anh đang mặc rồi đưa anh về đây, không ai biết anh là người phía bên kia. Em tiếp máu cho anh. Chúng mình cùng nhóm máu.. Giờ có lệnh rút. Em phải đi.. Anh cố nghe em. Nhớ phải sống để về.. Quần áo, thẻ bài em để dưới lưng, anh mặc lại, cứ men lối mòn này bò ra bìa rừng để được cứu. Em đi kẻo không kịp.. Hẹn anh..
Một gương mặt con gái áp vội vào má anh rồi ngay lập tức rời ra. Anh rẽ sương mù, nhoai lên đuổi theo tiếng bước chân chạy mỗi lúc một xa. Đuổi theo mãi cho đến khi mất dấu hẳn giữa mênh mông rừng tràm..
Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trong Tổng y viện Cộng hòa, cô y tá vừa thay băng cho anh vừa thì thầm kể về vết thương xuyên thủng phổi, mảnh đạn khắp người mà bò được ra tận bìa rừng chắc ngàn người có một là anh, bác sĩ bảo anh được sơ cứu kịp thời, được tiếp máu, phía bên kia người ta làm đấy nhưng không ai được nói tránh cho anh những rắc rối về sau. Anh nhắm mắt lại, nhớ từng tiếng dặn dò gấp gáp giữa cơn mê, nhớ bàn tay nắm tay anh – bàn tay con gái mảnh, gầy, ngón tay trỏ có vết chai vì cò súng y hệt ngón tay lính chiến của mình, nhớ cái áp má vội vàng nhưng vệt ấm vẫn còn nguyên.. Cô gái bé nhỏ hát trên mui thuyền ngày ấy đang ở đâu đó trong những cánh rừng tràm, rừng dừa nước ngoài kia, hẹn anh ngày về gặp lại..
Anh có thể lỡ hẹn. Nhưng cô thì không. Cô đã hẹn thì anh tin ngày gặp. Có thể sớm hay muộn một chút vì đường về khi ấy lắm đạn bom..
"Sau lần bị thương bố không được giải ngũ à?" – Linh vần nồi cơm bên kiềng bếp, chụm thêm củi, luộc mớ cá rô để nấu với nắm cải đắng vừa ghé bờ xin xuống. Khói xanh mờ bay lên từ phía lái. Mùi cá luộc lá gừng ngọt quẩn trong mùi khói. "Không. Chiến sự hai bên ác liệt, chỉ có lệnh tổng động viên chứ giải ngũ đâu có dễ. Nhưng ông thiếu tá tiểu đoàn trưởng nghe chuyện của bố, khen mệnh lớn, số hên nên điều về làm Tà lọt, rồi sau này chuyên lái xe đưa đón, phục vụ vợ con ông". "Thế từ ngày ấy, bố chỉ gặp mẹ thêm lần nữa thôi à?". "Ừ! Chỉ thêm lần ấy.".
Đó là một buổi sáng cuối tháng tư năm 1975, tiếng súng ùng oàng từ khắp nơi dội về thành phố mỗi lúc một gần. Cả khu gia binh náo loạn mạnh nhà nào nấy chạy. Ông Thiếu tá gọi cho anh giữa tiếng súng nổ, tiếng gào thét, kêu khóc như ri nói ông và ba đứa lớn đến Đại sứ quán Mỹ bằng xe Jeep từ hướng Thủ Thiêm, anh đưa bà nhà và đứa con gái út lên đường ngay, gặp nhau ở đấy, gấp lên, trực thăng không chờ đâu.. Anh chỉ kịp thay bộ đồ lính, bế bé gái hai tuổi, đỡ bà Thiếu tá đang run bắn, đi không vững lên xe, lao về phía đoàn người cũng đang hối hả, cuống cuồng phía trước. Bỗng cánh cửa xe giật tung, một người đàn ông chồm vào, khóa chặt cổ, gí súng vào ngực bà Thiếu tá: "Dừng lại! Không dừng tao bắn chết con này! Xuống xe!". "Xin ông! Tôi phải đưa bà nhà lên máy bay cho kịp!". "Mẹ kiếp! Bố mày cũng thế! Xuống xe!". Tiếng súng chát chúa, bà Thiếu tá thét lên rồi gục xuống, máu loang ướt đẫm một khoảng áo trước ngực. "Xuống xe! Không tao bắn nốt con bé này!". Anh ôm chặt bé gái, rời vô lăng. Chiếc xe rồ máy lao đi. Bà Thiếu tá bị đẩy xuống đường. Máu vẫn chảy, sẫm thành vệt trên mặt đất.
Dòng người không dừng lại. Chẳng ai để ý đến một người đàn ông quỳ bên ven đường vừa bị cày tung lên vì đạn pháo, xé áo mình băng cho người phụ nữ đang lịm dần, bên cạnh là đứa bé gái áo quần cũng dính đầy máu đang khóc lặng đi. Đêm bắt đầu xuống. Đã quá giờ hẹn lên trực thăng. Anh nắm chặt tay người phụ nữ đang nằm trước mặt, gọi bà cố mở mắt, ráng chờ.. Bỗng bất ngờ, từ đằng xa, một chiếc xe trờ tới, ánh đèn pha rọi một khoảng vàng nhờ như quầng đèn bão. Bóng người ào xuống, luồng đèn pin loang loáng, giọng con gái hối hả: "Có chuyện gì thế này?". Anh giật mình, tim dồn lên thình thịch đến tức thở, nhìn thẳng vào mắt người vừa hỏi – cô gái gầy guộc, da tái xanh dưới ánh đèn vàng, nhưng ánh mắt lấp lánh và nốt ruồi nhỏ xinh xinh trên chót mũi thì vẫn nguyên như ngày ấy. "Em đấy phải không?". Gương mặt phía trước sáng bừng lên, đôi bàn tay có những ngón dài khô khỏng, chai từng vệt túm chặt lấy tay anh: "Anh! Em đây! Ơn trời em gặp anh rồi.. Mình không lỡ hẹn.." – rồi cúi xuống – "Sao hả anh?". "Bà Thiếu tá. Anh đang chở bà và con đi di tản cùng chồng..". "Để em xem.. - cô gọi người đàn ông trên xe rọi thêm đèn gần lại - Không ổn rồi anh. Vết đạn sát vào tim. Chạm động mạch. Máu không cầm được. Chị ơi! Chị mở mắt đi! Cố lên! Tôi cầm máu.. Chị nghe không, bé con đang gọi này..".
Người phụ nữ gắng gượng hé mắt nhìn cô, quờ tìm bàn tay con bé đặt vào tay anh, thều thào trong tiếng nấc đứt quãng: "Cô là người bên kia? Xin cứu con tôi.. Đội ơn cô..". "Chị mở mắt ra.. Cố lên.. Máu sắp cầm rồi..".
Im lặng..
Bàn tay nắm tay anh xuội xuống..
Người con gái trước mặt anh lặng đi sau những nỗ lực cuối cùng.
Có tiếng người trong xe giục giã. Tiếng đạn pháo gầm vang bốn phía. Tiếng tiểu liên lia từng tràng. Anh sực tỉnh, nắm chặt tay cô: "Giờ em đi đâu?". "Em đi tiền trạm. Chỉ đêm nay, ngày mai là bên em tiến vào thành phố. Em sẽ lo cho chị ấy. Anh yên tâm. Bế bé quay về. Tránh đừng ra đường. Yên ổn, thống nhất rồi anh về quê nhé. Làm nhà trên đảo chờ em..".
Vòng tay anh ôm choàng vội vã, áp mặt vào mái tóc khét mùi thuốc súng, nghe thì thầm lời cuối: "Chờ em..".
* * *
"Ơi đò.. Ơi Linh ơi..".
Cuối cánh đồng hoa cải vàng cuối đông cao ngang ngực, một người phụ nữ vừa chạy vừa vẫy theo thuyền. Linh ngẩng lên nhìn, hai má đỏ hồng vì hơi lửa, rối rít giục anh: "Cậy! Cậy đi bố ơi! Bố con mình mải chuyện, suýt qua mất..". Anh đảo ngược mái chèo, hãm con thuyền chậm lại, hướng về phía bãi. Người phụ nữ đón thuyền bên mép sóng: "Mai qua cho em gửi ít khoai mới dỡ. Ngoài mùng em mới về được". Rồi cười buồn, đỡ cái máng sành anh đưa: "Lấy chồng bao năm mà tết vẫn nhớ nhà. Chả có gì biếu mẹ. Vài củ khoai..". Linh cười: "Bà thích khoai mật mà. Cháu lại được ăn ké.. Mà cô nhìn cái máng đi! Chính tay bố cháu chọn nhé. Gõ coong coong ấy. Màu tím lịm thế này, già phải biết. Giờ cô cho cháu ít hoa cải cắm vào cái ang cau. Mua bên gốm Cậy mấy hôm rồi chỉ chờ hoa cải của cô thôi đấy!".
Linh đang lảng chuyện, anh biết. Từ ngày còn bé, mỗi lần giáp tết, thuyền anh ghé vào để người con gái lấy chồng bên cánh bãi gửi quà tết về cho mẹ nó đều hỏi sao cô ấy lại khóc. Khúc sông này bên lở bên bồi, khoảnh ruộng giáp sông của cô gái nghèo năm có năm không nhưng quà cho mẹ thì năm nào cũng thế. Và khi anh chống sào rời bến, bao giờ con bé cũng nhắn thêm lần nữa: "Cô để ý người nào như thế hộ cháu. Tết này nhiều người về quê. Chỉ sợ mẹ cháu đi lâu không về quên lối..".
Khoang thuyền rực lên màu tết từ khi Linh ôm bó hoa cải cắm vào cái ang đất nhỏ, màu da lươn rộng miệng mà nó gọi là cái ang cau dưới chân cây thánh giá gài trên vách liếp rồi ngồi bó gối, yên lặng nhìn. Anh biết nó sẽ hỏi gì tiếp theo.
"Bố! Má con trông như thế nào hả bố?".
Linh giống hệt bà Thiếu tá. Từ cái mắt, cái tóc, cái cười đến cả cái nết chỉ thích những loài hoa dại. Trong khoang thuyền, mùa xuân là cúc trắng, mùa hè vài cành xấu hổ, mùa thu nắm bông lau và mùa đông có cả nhánh tầm bóp quả tím, quả xanh tròn như những viên ngọc. Ngày ấy, trong khu gia binh, nhà bà Thiếu tá bao giờ cũng có một bình sứ trắng cắm những cành hoa không tên hái ven đường ra ngoại ô thành phố.
"Bố! Má con không biết hát. Thế con hát được là giống mẹ phải không?".
Suốt từ hồi còn bé, mỗi buổi tối xuôi con nước anh gác chèo ngồi trên mũi thuyền, Linh đã bảo bố cứ uống đi con hát cho bố nghe. Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương.. Đêm hôm nay.. Trời Bắc gió trăm miền, một người trên đất Bắc chờ em.. Bằng cái giọng hệt như người hơn hai mươi năm trước, nó hát bài anh thường hát ru nó hàng đêm.
* * * Ngày thống nhất anh bế con trở về bến cũ, trong túi hành lí còn có thêm nắm đất trước cửa nhà. Chỗ ấy có thịt xương của thầy mẹ anh và của cả lũ trẻ con hàng xóm trong buổi chiều pháo trong đồn bất ngờ dội lạc. Bao nhiêu năm chiến tranh, anh chẳng ngờ cầu quán xưa và cây duối cổ thụ vẫn còn. Bên kia vẫn là đảo nhưng cao vượt hẳn lên trên nền hoang lau sậy còn có thêm gốc duối già.
Từ ngày ấy, dọc đôi bờ sông Sặt, từ Xuân Quan, qua Cống Tranh đến Âu Thuyền lại xuất hiện một con đò dọc. Người đàn ông chắc mới lưu lạc từ đâu về vừa là chủ thuyền vừa chân sào có đứa con gái nhỏ chừng ba tuổi. Con bé thường ngồi sau lái với bố, bên cạnh cọc chèo, lưng buộc sợi dây vải mềm giữ cữ, cứ thấy người phụ nữ nào còn trẻ là vẫy, gọi mẹ ơi! Những người đàn bà dọc hai bờ dặn nhau: Thời buổi này lạc nhau là chuyện thường, ai đi đâu thì làm phúc nhắn hộ bố con người ta với, bảo anh ấy đã làm nhà trên đảo Mui Rùa, chân sào này thuộc luồng lạch lại chịu thương chịu khó nên lắm chủ hàng thuê, con bé mỗi năm một lớn, xinh xắn lắm, đỡ bố nhiều việc lại hát hay, nó không gọi mẹ ơi như ngày bé nữa mà đến mỗi bến đều nhờ: "Mẹ cháu là bác sĩ quân đội, tầm ba mươi tuổi, mắt sáng, có nốt ruồi nơi chót mũi.. nếu mọi người nhìn thấy thì đưa mẹ cháu xuống bến hộ. Mẹ đi lâu sợ quên mất lối về..".
"Bố! Bố nghĩ gì thế bố? Thuyền bác Hởi kia kìa!".
Chiếc thuyền đinh lừ lừ áp sát. Ông chủ đứng ghếch chân lên sạp gọi vóng sang: "Nốt chuyến này nghỉ tết, bảo anh em về đảo cả nhé. Tôi mang con lợn về.. Còn cái này cho con gái..".
Cành hoa đào còn nguyên nụ hàm tiếu buộc thêm cái chuông gió bằng gốm vi vu hát trong khoang thuyền. Con bé ngẩn người ra ngắm mãi rồi quay lại nhìn anh: "Cành đào con sẽ cắm bên mộ ông bà. Hoa cải vàng để bên mộ má. Giờ chỉ chờ mẹ con về là cả nhà mình đoàn tụ. Sắp rồi bố ạ. Sắp rồi..".
* * *
* * * Rồi sẽ có một ngày..
Một ngày lửng lơ vì chưa hết mùa xuân nhưng cũng chưa vào hạ, lúc ấy sẽ là buổi sáng, đất trời còn nguyên một màu mang mang như khói, đứng chính chỗ này ngó xuống ngó lên mỏi mắt vẫn không biết mình đang giữa nước hay trời nếu như không nghe thấy đâu đó, trong cái màn xam xám ngả đục đang chụp quanh vọng về tiếng mái chèo thong thả cắt chéo từng vết ngọt như vết dao trên mặt nước, nghe cả tiếng sóng cuồn từng đợt hai bên mạn thuyền mới biết mình vẫn trên đảo chứ đi đâu. Trước mặt mình chục bước vẫn là sông. Người kể câu chuyện này sẽ thấy có hai ông già gàn dở tranh cãi nhau điều gì bên con đò dọc đang neo trên mép sóng. Hỏi ra mới biết một người nói ông yếu quá rồi, chân tay như thế, ở nhà với con bé, để tôi đi. Người kia nổi khùng, già mà được như tôi. Ngày nhận được thư ông báo tin con bé còn sống, tôi bay liền từ bên ấy về, định đón nó đi nhưng con bé nhất quyết không nghe, bảo chờ mẹ về bằng được. Nó bảo ba biết không, má ruột con nằm kia, trong ngôi mộ gió bên gốc duối, không có bố nuôi, không có mẹ Bắc con chết lâu rồi. Thế là tôi cũng ở lại, chờ cô ấy để hỏi cho ra nhẽ ngày xưa chôn bà nhà tôi chỗ nào. Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, giờ cấm tôi đi là sao?
Rồi người kể chuyện sẽ thấy lờ mờ trong sương, dưới gốc duối cổ thụ, xuất hiện bóng người – một người con gái còn trẻ, chỉ tầm ba mươi tuổi, vừa lúi húi nhặt những bông hoa trắng rơi trên nền đất ẩm đưa cho người phụ nữ đứng đằng sau vừa hát: Sông sâu nước dọc đò ngang. Mình về bên ấy ta sang bên này. Hẹn lời gió cuốn mây bay. Hẹn lòng gió nát tàn mây vẫn chờ..
Rồi cả hai sẽ cùng ngóng về phía trước, gọi đò ơi..