1. Tại sao gọi là hoa gạo?
Hoa gạo còn gọi là hoa mộc miên, hoa hồng miên, người Tây Nguyên gọi là là hoa pơ-lang, là loài hoa cánh đơn với 5 cánh lớn, cánh hoa dày chứ không mỏng và mang màu sắc đỏ tươi đầy sức sống. Hoa gạo có điểm rất đặc trưng là không mọc dày sát nhau, nhưng lại bung nở đỏ rực cùng một thời điểm. Có lẽ vì thế mà hoa gạo khiến bao người ngẩn ngơ, mê mẩn đến độ chỉ cần nhắc đến tháng ba là nghĩ đến mùa hoa gạo nở.
Người ta gọi là hoa gạo vì khi cánh hoa rụng sẽ tạo quả. Trong quả già chứa đầy bông sẽ bung lên làm vỡ đầu quả giống như nồi cơm nở đầy làm bung nắp nên gọi là hoa gạo.
2. Đặc điểm của hoa gạo:
Đây là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng với lá rụng vào mùa đông. Các hoa đỏ với 5 cánh hoa mọc vào mùa xuân (tháng 3 hoặc tháng 4) trước khi cây ra lá non. Quả nhỏ chứa các sợi tương tự như sợi bông. Thân cây có các gai để ngăn cản sự tấn công của động vật. Mặc dù bề ngoài thì thân cây có vẻ tốt cho mục đích khai thác gỗ, nhưng gỗ của nó quá mềm để có thể sử dụng vào những việc như vậy.
Loài cây này có lẽ có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng hiện nay nó được trồng rộng rãi ở các bang của Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam. Theo ghi chép trong lịch sử Trung Quốc thì vua Nam Việt là Triệu Đà (趙佗) đã tặng một cây cho vua của nhà Hán vào thế kỷ 2 Trước Công Nguyên.
3. Sự tích của hoa gạo - hoa pơ-lang (Tây Nguyên) :
Chuyện kể rằng, có chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng trai. Dân làng trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình.
Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung.
Gặp Ngọc Hoàng, chàng thưa: "Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất cực khổ. Xin Người xem xét lại".
Ngọc Hoàng hỏi xem ai trông coi mưa nắng, một vị thần tâu: "Đó là thần Sấm, nhưng thần vốn ham vui nên có lúc chểnh mảng".
Thần Sấm thưa: "Một mình thần không làm xuể. Xin Người giữ chàng trai này lại phụ giúp thần". Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền lệnh nâng bầu trời xa khỏi mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa. Nhớ người yêu, nước mắt chàng tuôn trào.
Còn cô gái, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài cho cô gái một điều ước.
Nàng thưa: "Xin Người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần có thể nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần". Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống và trở thành loài hoa Pơ lang hay còn gọi là hoa gạo.
4. Huyền sử công chúa Quỳnh Trân và hoa gạo:
Đến với đền Mõ xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, người ta thấy cây gạo được trồng trong khuôn viên đền. Theo các bậc cao niên trong vùng, cây gạo này chính tay công chúa Quỳnh Trân trồng vào mùa xuân năm 1284 với ước nguyện người dân no đủ, thóc gạo dồi dào.
Sử cũ ghi lại rằng, năm Quý Mùi (1283), công chúa Quỳnh Trân xin vua Trần Nhân Tông cho xuất gia quy y nơi cửa Phật. Công chúa đã chọn đất làng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn làm nơi lập am. Để điều hành công việc hàng ngày, công chúa nghĩ ra cách dùng tiếng mõ: Nếu trong ngày nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc. Bắt nguồn từ đó, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ đã ra đời.
Cùng với việc lập am tu hành, công chúa Quỳnh Trân còn cho lập điền trang, thái ấp, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Có năm vùng này bị thiên tai mất mùa, công chúa xin vua miễn thuế cho cư dân trong vùng để họ có thể ổn định sản xuất. Hơn 7 thế kỉ trôi qua, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trước bao biến đổi mạnh mẽ của thiên nhiên, bom đạn, song, cây gạo do công chúa thời Trần đã gieo trồng vẫn có một vị trí không thể thay thế trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây.
5. Huyền sử công chúa của Vua Bầu và hoa gạo:
Ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ khoảng cách hàng giờ đi bộ đã thấy cây gạo vươn cao lên nền trời. Cây gạo to lớn, cổ kính, cây bao nhiêu tuổi thì những vị cao niên nhất vùng cho rằng, khi còn nhỏ đã thấy cây gạo lớn lắm rồi.
Không có trong chính sử, nhưng câu chuyện về cây gạo này của những người cao tuổi trong vùng đều giống nhau. Họ cho rằng, cây gạo có từ thời Quốc công Vũ Văn Mật, tức Vua Bầu vào thời Lê - Mạc khoảng những năm từ 1516 trở đi. Quốc công Vũ Văn Mật là người kế tục sự nghiệp của người anh Vũ Văn Uyên xây dựng căn cứ "chống Mạc, phục Lê" và làm tiền đồn bảo vệ biên cương Tổ quốc tại vùng đất Trung Đô, Bắc Hà.
Chuyện kể rằng, Vua Bầu khi ấy có cô công chúa lên bảy tuổi, nàng vô cùng xinh xắn và hiếu động. Trong một lần theo mẹ ra sông hái hoa đuổi bướm, do mải mê đùa vui đã bị ngã xuống suối và đuối nước. Vua Bầu khi đó vô cùng đau lòng, ông đem thi hài cô công chúa nhỏ táng ngay ven bờ khúc sông ấy và lập miếu thờ lớn ở nơi này. Người dân trong vùng ai cũng tiếc thương cho số mệnh của công chúa nhỏ, nhiều người vào mỗi buổi sáng đã tới đây để thắp hương với lời cầu nguyện cho linh hồn công chúa được siêu thoát.
Câu chuyện còn lưu truyền đến nay là hồi đó, vào những ngày đậm sương mù, nhiều người đã nhìn thấy có 9 nàng tiên bay tới khu vực này. Có lẽ tiên sa để rước linh hồn của nàng công chúa nhỏ về trời bởi mỗi lần giáng trần đều mang theo một kiệu nhỏ trang trí nhiều lụa đỏ thắm bay phấp phới. Không lâu sau, ngay cạnh ngôi mộ của nàng công chúa có một cây gạo mọc lên, lớn nhanh khác thường và từ đó người dân đã tôn thờ, bảo vệ cây gạo, đặt tên riêng cho là Nàng Niến. Nàng Niến theo tiếng địa phương có nghĩa là công chúa..
6. Công dụng của hoa gạo:
Các sợi bông của hoa gạo cũng được dùng nhồi vào gối hay nệm cũng như làm lớp cách nhiệt lót áo lạnh. Tuy nhiên vì bông cây gạo không dài sợi nên không thể kéo sợi và dệt như bông vải được.
Hoa gạo được dùng trong một số loại trà thuốc Trung Hoa.
Hoa của loài cây này là hoa biểu trưng cho Quảng Châu, Cao Hùng (Đài Loan), Nam Định (Việt Nam).
Ở các vùng quê Bắc Bộ, cây gạo được trồng đầu làng. Bên những thửa ruộng, gốc gạo là nơi những người nông dân nghỉ chân uống nước sau một ngày làm đồng mệt mỏi.