Với một bề dày lịch sử đáng nể lên đến hàng ngàn năm, Việt Nam là một đất nước với nhiều lễ hội đặc sắc và phong phú. Những lễ hội đó có thể đã bắt nguồn từ xa xưa, theo dấu chân thời gian cho đến tận bây giờ vẫn còn lưu truyền và bảo tồn. Cũng có thể đó là những ngày hội mới xuất hiện nhưng đóng góp không nhỏ vào văn hóa và tinh thần của người Việt. Từ Bắc chí Nam, vô số ngày hội được tổ chức hằng năm, đặc biệt là vào dịp Tết. Ngày hội là thời điểm để mọi người vui chơi giải trí, tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của dân tộc, hoặc để mở mang tri thức tiến tới sự hòa nhập thế giới. Để kể về một ngày hội, có thể là em từng được đi hoặc được chứng kiến, đều phải kể theo trình tự nhất định. Đầu tiên nên kể về thời điểm em biết đến ngày hội đó, em tham gia hay nhìn thấy? Cảm xúc của em thế nào, người ta làm gì trong ngày hội đó?... Dưới đây là hai bài văn mẫu chúng tôi muốn gửi đến các em, mong là sẽ có tác dụng giúp các em tham khảo để nắm rõ đề bài.

BÀI VĂN KỂ VỀ MỘT NGÀY HỘI SỐ 1 (HỘI CHÙA HƯƠNG)

Từ bé đến lớn, em thường chỉ được đưa đến những khu vui chơi thiếu nhi hoặc những trung tâm giải trí. Lần đầu tiên em được đến một nơi trang nghiêm là lần đi hội chùa Hương với bà nội.

Vào khoảng sau rằm tháng Giêng, theo thông lệ bà em thường hay đi hội chùa Hương, lần này em nằng nặc xin đi theo nên bà đồng ý. Ngồi trên taxi khoảng hơn nửa tiếng, em và bà đã đến nơi. Từ xa nhìn lại, chùa Hương là một công trình kiến trúc uy nghiêm mà vẫn hài hòa với hang động tự nhiên và núi rừng nên nơi đây toát lên vẻ cổ kính, hoang sơ. Em nhìn dòng người đông đúc mà choáng ngợp. Trên cầu thang dài và rộng là hàng ngàn người, nhiều nhất vẫn là các vị sư, còn có khách du lịch, người đi thăm hội như em và bà.

Đi cùng đoàn người lên hang động, em thấy khói hương lượn lờ trong không khí. Bà em theo đạo Phật, vì vậy lúc này em thấy bà vô cùng kính cẩn cầm chuỗi tràng hạt thắp nén hương nơi tôn kính. Em cũng học theo bà bái lạy đức Phật. Rồi đoàn người tản ra, em theo bà đi dọc các đền miếu cầu phúc cho gia đình, xem quẻ bói và đi dạo quanh khuôn viên rộng lớn của chùa. Một số người đi đò, hoặc lên trên núi, nhưng bà và em chỉ đi dạo thêm một lúc rồi về nhà.

Mặc dù còn nhỏ và chưa hiểu hết ý nghĩa của lễ hội lớn này, tuy nhiên em vẫn cảm nhận được sự long trọng và ý nghĩa đặc biệt của hội chùa Hương. Có lẽ trong tương lai, hội chùa Hương vẫn mãi là một nét văn hóa tôn giáo quan trọng của người Việt Nam.

BÀI VĂN KỂ VỀ MỘT NGÀY HỘI SỐ 2 (NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH)

Cuối tuần vừa qua, trong quảng trường gần nhà em ở mở một ngày hội đọc sách lớn, chủ yếu để phục vụ học sinh và sinh viên, tuy nhiên vẫn có một số gian giành cho công chức, người có tuổi. Em đã được chị dẫn đến đây chơi.

Cả khuôn viên rộng lớn của quảng trường trở thành một tiệm sách di động khổng lồ. Rất nhiều ô dù lớn đầy màu sắc được căng ra để che nắng, bên dưới là vô số kệ sách với đủ thể loại cho mọi lứa tuổi. Em được nghe chị nói, ngày hội đọc sách này mấy năm mới mở một lần tại cùng một địa điểm để mang sách đến gần với người đọc hơn. Có lẽ vì vậy mà người đến đây rất đông, lắng nghe những nhà văn trẻ truyền đạt cảm hứng về đọc sách và giới thiệu các đầu sách mới.

Em cũng theo chị đến gian trưng bày truyện và tiểu thuyết. Ở đây có đủ loại truyện em yêu thích mà giá lại rẻ hơn bán ở nhà sách rất nhiều, chị em nói đây là cách để phổ biến văn hóa đọc đến với mọi người. Sau khi chọn được một vài cuốn yêu thích, em mang về phía dãy bàn dựng một khoảng phía trước quảng trường. Dù rất nhiều bàn ghế nhưng đều đã kín chỗ. Mọi người hào hứng kể với nhau về những cuốn sách tâm đắc, bàn luận về một vấn đề nào đó thú vị trong quá trình đọc sách. Khác hẳn với không gian yên tĩnh của thư viện, giờ đây sách và mọi người hòa nhập vào nhau một cách sôi động.

Em và chị còn chơi ở quảng trường đến tận trưa mới về, buổi chiều chị còn hẹn bạn bè ra tìm vài bộ sách tham khảo tại đó nữa. Qua ngày hội sách, em cảm thấy hiểu biết được mở mang hơn nhiều. Em rất biết ơn những cô chú đã mở nên ngày hội có ý nghĩa này.