Hướng dẫn làm bài văn phân tích bài thơ Con cò ngữ văn lớp 9 hay nhất “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tình mẫu tử vốn là tình cảm thiêng liêng và kì diệu nhất trên thế gian này. Mẹ là người đã cho ta ban cuộc đời, nuôi ta khôn lớn từng ngày, luôn quan tâm, lo lắng cho ta. Tình mẹ bao la dạt dào như biển Thái Bình, dù có đi hết cuộc đời, cũng không có ai yêu con bằng mẹ. Tình mẫu tử cao quý vốn là một đề tài quen thuộc thường thấy trong văn thơ. Những trang viết cảm động về mẹ đã giúp ta thấu hiểu nhiều hơn về nỗi nhọc nhằn đã đeo bám mẹ cả cuộc đời, làm dâng trào tình yêu mẹ tha thiết vẫn luôn thường trực trong trái tim mỗi người. Con cò là một bài thơ tiêu biểu như thế. Sử dụng một hình tượng quen thuộc trong văn học dân gian là con cò, Chế Lan Viên đã có những sáng tạo độc đáo để ca ngợi tình mẹ bao la. Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn phân tích bài thơ Con cò.

BÀI VĂN PHÂN TÍCH BÀI THƠ CON CÒ

“Ta đi trọn kiếp người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”

Trên thế gian này, không có gì cao quý và thiêng liêng hơn tình mẫu tử. Tình mẹ dạt dào như biển cả đã trở thành cảm hứng bất tận cho thi ca muôn đời. Mỗi nghệ sĩ có một cách thể hiện tình mẹ khác nhau nhưng có một điểm chung: Những trang viết về mẹ đều xúc động và xiết bao trìu mến, thân thương. Cũng viết về đề tài này, bài thơ Con cò của Chế Lan Viên đã thể hiện thật sâu sắc, cảm động về tình yêu thương con vô bờ của mẹ.

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh con cò trong lời hát ru của mẹ:

- “Con còn bế trên tay

- Con chưa biết con cò

- Nhưng trong lời mẹ hát

- Có cánh cò đang bay:

- "Con cò bay la

- Con cò bay lả

- Con cò Cổng Phủ

- Con cò Đồng Đăng..."

- Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn

- Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ

- "Con cò ăn đêm

- Con cò xa tổ

- Cò gặp cành mềm

- Cò sợ xáo măng..."

Lời ru có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời mỗi con người. Lời ru không chỉ đưa ta vào giấc ngủ một cách bình yên, nó còn chất chứa biết bao tình cảm và ước nguyện của mẹ gửi gắm vào trong đó. Trong những lời ru ấy, hình ảnh con cò xuất hiện thật tự nhiên và gần gũi. Từ lâu, hình ảnh con cò đã đi vào trong ca dao, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Ở đây, Chế Lan Viên đã chọn những hình ảnh giàu giàu sức gợi cảm nhất về con cò. Trước hết, nó làm ta nghĩ đến không gian làng quê yên bình với cánh có trắng chao liệng trên bầu trời xanh: “Con cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. Thân cò nhỏ bé còn gợi liên tưởng đến những người nông dân, người phụ nữ suốt đời vất vả, lam lũ vì cuộc mưu sinh: "Con cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò gặp cành mền, cò sợ xáo măng…" Qua lời ru ngọt ngào, ấm áp, cánh cò đã đến với con trong vô thức, giúp con hình thành tình yêu với quê hương đất nước, thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vả của mẹ. Bên cạnh đó, mẹ còn muốn con yên tâm trước cuộc đời vì đã có mẹ ở bên yêu thương, che chở:

- “Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ

- Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng

- Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân

- Con chưa biết con cò con vạc

- Con chưa biết những cành mềm mẹ hát

- Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”

Nhịp thơ ngọt ngào, da diết phù hợp với lời hát ru con của người mẹ, đưa con vào giấc ngủ bình yên, an lành, đồng thời diễn tả tình cảm tha thiết, trìu mến, yêu thương.

Không chỉ gắn bó với con trong khúc đưa nôi, cò còn theo con đến tận khi trưởng thành:

- “Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên

- Cho cò trắng đến làm quen

- Cò đứng ở quanh nôi

- Rồi cò vào trong tổ

- Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

- Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

- Mai khôn lớn, con theo cò đi học

- Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân

- Lớn lên, lớn lên, lớn lên...

- Con làm gì?

- Con làm thi sĩ

- Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

- Trước hiên nhà

- Và trong hơi mát câu văn”

Hình ảnh cò không chỉ có trong câu hát ca dao, con đã trở thành ẩn dụ cho người mẹ chăm sóc, ôm ấp, vỗ về con trong từng miếng ăn giấc ngủ. Mẹ luôn theo bước con trên từng chặng đường đời, từ thuở ấy thơ đến thời niên thiếu. Thế nhưng, mẹ không dìu dắt con mãi mãi, theo năm tháng, mẹ chỉ còn dõi theo hình bóng của con, con phải tự bước đi bằng chính đôi chân của mình: “Mai khôn lớn, con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”. Và rồi khi con đã trưởng thành, mẹ một lần nữa lại trở thành cảm hứng, chất xúc tác cho con. Hình ảnh của mẹ vừa lớn lao vừa thân thương gần gũi, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.

Đến khổ cuối, giọng thơ tâm tình ngọt ngào bỗng chuyển thành chiêm nghiệm, triết lí, lắng lại trong cảm xúc da diết về lòng mẹ:

- “Dù ở gần con

- Dù ở xa con

- Lên rừng xuống bể

- Cò sẽ tìm con

- Cò mãi yêu con

- Con dù lớn vẫn là con của mẹ

- Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Với kết cấu dù... vẫn, tác giả đã khẳng định tình mẫu tử mãi thiêng liêng, bền chặt. Dù con ở nơi đâu hay phương trời nào, mẹ vẫn sẽ là điểm tựa, là nơi chốn quen thuộc để con tìm về sau những mỏi mệt của cuộc sống. Đứng trước mẹ, mỗi chúng ta dường như bé lại, trở thành đứa trẻ thơ ngày nào cần mẹ vỗ về, ôm ấp. Lòng mẹ theo con suốt cuộc đời, vì dù có khôn lớn thế nào đi chăng nữa, con đơn giản vẫn là “con của mẹ”.

Bài thơ mở đầu bằng câu hát ru và kết lại cũng bằng lời ru ầu ơi:

- “À ơi!

- Một con cò thôi

- Con cò mẹ hát

- Cũng là cuộc đời

- Vỗ cánh qua nôi

- Ngủ đi, ngủ đi!

- Cho cánh cò, cánh vạc

- Cho cả sắc trời

- Đến hát

- Quanh nôi”

“Mẹ ru cái lẽ ở đời/sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”. Lời ru của mẹ chính là lòng mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn con. Lời ru ấy chứa đựng biết bao tình cảm dạt dào, gửi gắm bao niềm thương mến. Đi sâu vào trong tiềm thức, lời ru của mẹ sẽ theo con suốt cuộc đời, luôn bên cạnh vỗ về và che chở cho con.

Bài thơ Con cò với âm hưởng của lời hát ru đã giúp ta trải nghiệm và thấu hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa của lòng mẹ trong cuộc đời mỗi người. Tình mẹ là bao la không thể đong đếm, cũng chỉ có mẹ là hết lòng yêu thương, nguyện hi sinh tất cả vì con:

- “Thêm một người trái đất sẽ trật hơn

- Nhưng thiếu mẹ, thế giới đầy nước mắt

- Đối với con, riêng mẹ là duy nhất

- Mẹ từng ngày dõi theo bước chân con."