Bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 9 được viết năm 1948, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông năm 1947), đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ ca ngợi tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu. Trong suốt hành trình chiến đấu gian khổ, thấm đẫm máu và nước mắt ấy, vẫn luôn rạng rỡ một thứ tình cảm mang tên đồng đội, đồng chí. Tình cảm ấy đã được nhà thơ Chính Hữu thể hiện ngay trên nhan đề của bài thơ – “Đồng chí”, chỉ cần nghe thôi cũng đủ sưởi ấm lòng người những ngày đói rét căm căm, không đủ cơm áo. Một nhan đề mà có thể gợi cả một thời thiếu thốn và tình cảm đồng đội như thế, chắc chắn chúng ta không thể bỏ sót được. Để các bạn học sinh có thể cảm nhận rõ hơn tình đồng chí cao đẹp cũng như lí tưởng cách mạng của họ, hôm nay chúng tôi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu phân tích ý nghĩa nhan đề “Đồng chí”.

ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ BÀI THƠ ĐỒNG CHÍ SỐ 1

Giống như những đấng sinh thành sinh con ra, ai nấy đều dồn tâm huyết để đặt cho con mình một cái tên thật ý nghĩa, và những “đấng sinh thành của một tác phẩm” cũng vậy. Những người nghệ sĩ đặt tên cho tác phẩm của mình đều có dụng ý riêng, gửi gắm những tâm tình thầm kín của một thời gian dài ấp ủ. Nhan đề đó không chỉ là đề tài mà còn gắn liền với chủ đề, tư tưởng, ý nghĩa biểu tượng của tác phẩm. Nhà thơ Chính Hữu cũng không ngoại lệ. Chính Hữu đặt tên cho bài thơ của mình là “Đồng chí” không chỉ có ý nghĩa viết về những con người cùng chung lí tưởng, chí hướng, cùng một một đơn vị, cơ quan, mà sâu sắc hơn, cao cả hơn, ông muốn viết về tình đồng đội của những con người đồng cảnh, đồng cam cộng khổ, đồng sức chung lòng cứu nước, cứu dân. “Đồng chí” là tên gọi của một tình cảm mới, đặc biệt xuất hiện và phổ biến trong những năm cách mạng và kháng chiến. Chính nhà thơ cũng đã từng tâm sự: “Những năm đầu cách mạng, từ “Đồng chí” mang ý nghĩa thiêng liêng và máu thịt vô cùng. Nơi khó khăn, cuộc sống của những người này trở nên cần thiết đối với người kia. Một người có thể thay thế cho gia đình, cho cha mẹ, vợ con đối với một người khác. Hơn nữa, họ còn bảo về nhau trước mũi súng của kẻ thù, cùng nhau đi qua cái chết, chống lại cái chết, cùng nhau thực hiện lí tưởng cách mạng.” Tình đồng chí là cốt lõi, là bản chất sâu xa của sự gắn bó giữa những người lính cách mạng, là điểm nhấn và lời khẳng định về sự gắn bó của tình đồng chí. Chính Hữu đã rất tài tình khi đặt tên cho tác phẩm của mình một nhan đề như vậy. Qua đó đã khắc họa một cái tôi sẵn sàng hi sinh cho Đất Nước, một cái tôi rạng ngời lí tưởng Cách mạng cao đẹp.

ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ BÀI THƠ ĐỒNG CHÍ SỐ 2

Trong những ngày tháng ăn rừng ngủ rừng mệt mỏi, đâu đó vẫn ẩn hiện sự lãng mạn và lạc quan của tình đồng đội, đồng chí. Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu được viết vào mùa xuân năm 1948 là những vần thơ về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sâu nặng cùng vào sinh ra tử, cùng chung mối thù và tình yêu Tổ quốc. Ngay từ nhan đề của bài thơ, tác giả đã muốn bộc bạch trọn vẹn tâm tư thầm mến và tình cảm sâu nặng của những người lính cụ Hồ anh dũng kiên cường. Đồng chí ở đây là tình đồng chí, đồng đội, là chỗ dựa tinh thần những lúc khó khăn, gian khổ để họ-những con người sẵn sàng hi sinh cho màu trời xanh của tổ quốc có thể chiến đấu anh dũng và chiến thắng oai hùng. Hai tiếng đồng chí ấy dần dần đã trở thành một tên gọi thân thương mà những người lính cụ Hồ dành cho nhau. Trong những năm tháng gian khó ấy, họ chiến đấu để làm gì nếu khi giết được một tên giặc, ngoảnh đầu nhìn lại không còn thấy bóng dáng người anh em cùng mình thề bảo vệ Tổ quốc nữa. Trong những khoảnh khắc sinh mạng tưởng chừng mỏng manh như tờ giấy ấy, họ cầm súng để làm gì khi sống mà không có một sự quan tâm và thấu hiểu từ những người xung quanh, từ những người “đồng chí” cùng chung lí tưởng.