Đề bài Phân tích hai đoạn thơ: "Mình đi có nhớ những ngày....đậm đà lòng son" và "Tin vui chiến thắng trăm miền... đèo De, núi Hồng". Từ đó, chỉ ra sự vận động của cảm xúc trữ tình

“Việt Bắc” của Tố Hữu được coi là bản trường ca của dân tộc những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong tác phẩm, luôn có sự vận động và biến chuyển giữa hình tượng thơ qua các phần khác nhau. Sau đây hãy chúng ta hãy cùng phân tích hai đoạn thơ: "Mình đi có nhớ những ngày....đậm đà lòng son" và "Tin vui chiến thắng trăm miền... đèo De, núi Hồng" để thấy được sự vận động của cảm xúc trữ tình nhé!

Xuân Diệu từng viết: “Tình thương mến đặc biệt trong thơ Tố Hữu là sự cảm hòa giữa người với cảnh… một thứ nhạc tâm tình riêng bàng bạc, thấm lấy các câu thơ”. Thực tế cho thấy thơ Tố Hữu là bằng chứng sinh động nhất về sự kết hợp hài hòa của 2 yếu tố: tính cách mạng và tính dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo thi ca. Bởi trong thời đại toàn dân tộc cùng hướng về một lý tưởng cao cả, người nghệ sĩ trước khi cầm bút phải là một người công dân đã. Khi hòa hợp giữa thi ca và thời đại, đem thi ca phục phụ cho thời đại và nhờ thời đại mà thi ca có thể sống và nở hoa, đó mới là nghệ thuật có nghĩa. Tố Hữu đã xuất sắc làm được điều đó, đưa “Việt Bắc” trở thành một khúc hùng ca, khúc tình ca về thời đại, về con người, về tình nghĩa nặng sâu của đất nước. Nằm trong mạch nguồn ấy, bản thân cảm xúc trữ tình trong bài thơ cũng luôn có sự vận động riêng. Có thể thấy được sự vận động ấy qua hai đoạn thơ tiêu biểu “Mình đi có nhớ những ngày… đậm đà lòng son” và “Tin vui chiến thắng trăm miền… đèo De, núi Hồng”. Khi làm bài phân tích hai đoạn thơ, chúng ta sẽ phân tích từng đoạn trước, sau đó tìm ra sự khác sau, sự vận động và phát triển của cảm xúc trữ tình. Cần bám sát vào từ ngữ và các hình ảnh để sự cảm nhận có thể tốt nhất. Trước khi làm bài, các bạn có thể tham khảo các bài viết dưới đây. Chúc các bạn làm bài tốt!

BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH “MÌNH ĐI CÓ NHỚ NHỮNG NGÀY… ĐẬM ĐÀ LÒNG SON” VÀ “TIN VUI CHIẾN THẮNG TRĂM MIỀN… ĐÈO DE, NÚI HỒNG” ĐỂ THẤY SỰ VẬN ĐỘNG CỦA CẢM XÚC TRỮ TÌNH

Người ta thường nói: “Thời đại nào, văn học ấy”. Không phải văn học lựa chọn cuộc sống để phản ánh mà cuộc sống lựa chọn văn học để thể hiện mình. Nhắc đến thơ ca thời kháng chiến chống thực dân Pháp ta không thể không nhớ tới khúc hùng ca, tình ca đã gói trọn những năm tháng kháng chiến gian khổ và nghĩa tình: “Việt Bắc” của Tố Hữu. Cả tác phẩm là hành trình vận động của cả dân tộc đến với lý tưởng tự do. Và ngay trong chính bài thơ cũng có sự vận động của cảm xúc trữ tình. Có thể nhận thấy sự vận động ấy qua hai đoạn thơ:

- “Mình đi có nhớ những ngày

- Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

- Mình về có nhớ chiến khu

- Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai

- Mình về, rừng núi nhớ ai

- Trám bùi để rụng, măng mai để già

- Mình đi, có nhớ những nhà

- Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

Và:

- “Tin vui chiến thắng trăm miền

- Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

- Vui từ Đồng Tháp, An Khê

- Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”

Tháng 7 năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp quay trở lại nước ta đã kết thúc thắng lợi. Hòa bình được lặp lại, nửa đất nước được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, Hà Nội được giải phóng, trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Lịch sử dân tộc bước sang một trang mới. Ở thời khắc này, người ta có nhu cầu nhìn lại chặng đường vừa qua, đồng thời hướng về con đường tương lai để bước tiếp. Bài thơ “Việt Bắc” ra đời để đáp ứng nhu cầu ấy của xã hội, là tiếng lòng của đồng bào mọi người. “Việt Bắc” là bản trường ca đầy ân tình – tình quê hương, tình đất nước, nghĩa tình giữa con người. Vì thế bài thơ là một bản tổng kết lịch sử bằng tâm tình. Bởi là một chặng đường dài nên từ những câu thơ này đến dòng thơ sau đều có sự phát triển và vận động, mang ý nghĩa riêng của nó.

Những câu thơ đầu là khúc dạo đầu của bản trường ca, tái hiện lại những ngày tháng gian khổ khó khăn mà thấm đượm ân tình, ân nghĩa:

- “Mình đi, có nhớ những ngày

- Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

- Mình về, có nhớ chiến khu

- Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai

- Mình về, rừng núi nhớ ai

- Trám bùi để rụng, măng mai để già

- Mình đi, có nhớ những nhà

- Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”.

Đoạn thơ là một loạt những câu hỏi được điệp lại: “Mình đi, có nhớ…”, “mình về, có nhớ…” như lời nhắc nhở nhẹ nhàng, ân tình. Cách xưng hô “mình – ta” cùng với kết cấu đối đáp quen thuộc gợi nhớ về lối đối đáp quen thuộc trong những câu hát giao duyên, những điệu hát huê tình của chàng trai và cô gái, giữa mận và đào, của mai và trúc. Mượn tình đôi lứa cá nhân để biểu đạt một tình cảm lớn hơn: tình yêu đồng bào khiến câu thơ từ chính trị khô khan trở nên rất đỗi trữ tình. Trong những câu thơ sau, tác giả đã vận dụng sáng tạo cách ăn nói, lối diễn đạt dân gian: “mưa nguồn suối lũ”, “mây cùng mù” để tái hiện hình ảnh của thiên nhiên nơi rừng núi. Nếu thiên nhiên miền Tây Bắc hiện lên thơ mộng, lãng mạn trong cái nhìn của Quang Dũng: “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” thì thiên nhiên đối với những con người nơi đầu nguồn chớp bể thực sự không dễ dàng: “mưa nguồn suối lũ” tưởng như có thể đánh bại và làm con người biến mất bất cứ lúc nào. Sau này, hình ảnh mưa ấy cũng vào trong trang thơ của Phạm Tiến Duật, trên con đường tiến tới lí tưởng: “Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”. Hơn nữa, lại thêm “những mây cùng mù”- trên mây, dưới mù gợi lên cái gì hoang vu, u lạnh của một vùng thâm sơn cùng cốc nào đó. Biện pháp đối lập: “Miếng cơm chấm muối” – “mối thù nặng vai” không chỉ nói lên những gian khổ khó khăn mà con người ở đây phải gánh chịu mà qua đó còn khẳng định lòng quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của con người. Điều kiện càng khó khăn, gian khổ càng nhắc nhở con người về mối thù không còn vô hình mà đã hữu hình, có sức nặng và cảm nhận được. Một loạt những cụm từ “Trám bùi để rụng”, “măng mai để già”, “hắt hiu lau xám” như những nỗi băn khoăn về sự thay đổi, phai nhạt của lòng người theo thời gian để rồi mọi thứ cũng héo úa, tàn lụi dần. Nhưng kết thúc lại là hình ảnh tươi rói, ấm áp bao nhiêu: “đậm đà lòng son” nổi lên giữa sự mờ nhạt xung quanh. Câu thơ kết lại chắc nịch về mối tình ân nghĩa, thủy chung không thể đổi thay.

Từ những ngày gian khổ, mạch thơ đi đến niềm vui chiến thắng:

- “Tin vui chiến thắng trăm miền

- Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

- Vui từ Đồng Tháp, An Khê

- Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”

Bốn câu thơ, câu nào cũng có sự xuất hiện của từ “vui”. Điệp từ “vui” được lặp lại tạo nhịp thơ nhanh, dồn dập càng làm cho niềm vui chiến thắng, sự hân hoan được nảy nở, lan tỏa từ lòng người đến người, từ câu thơ mà tràn qua tới lòng người đọc. Một loạt các địa danh từ khắp miền núi tới đồng bằng, khắp mọi nơi được nhắc tới trong thủ pháp liệt kê khiến ta có cảm giác niềm vui đã ngự trị, hạnh phúc đã đến với được tất cả mọi người, mọi nơi rồi. Từ những gian khổ, khó khăn năm nào “miếng cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng” đến chiến thắng trăm miền hôm nay vẫn luôn một lòng có nhau. Đó chính là sức mạnh của những trái tim và tấm lòng người Việt. Thơ Tố Hữu là thế đó: lẽ sống lớn, niềm vui lớn của dân tộc, của thời đại.

Như vậy, qua hai đoạn thơ, ta đã thấy được sự biến chuyển, vận động trong cảm xúc trữ tình. Nếu như đoạn thơ thứ nhất như là lời nhắc nhớ của người ở lại về những gian khổ, nghĩa tình đã từng thấm thía, trải qua thì đoạn thơ thứ hai chính là lời hồi đáp về những năm tháng không thể nào quên ấy, là lời thông báo về niềm vui hôm nay. Từ gian khổ mà đi đến niềm vui, từ chiến đấu mới có chiến thắng hôm nay. Mạch thơ vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ khổ đau đến niềm vui, đến tương lai. Đây cũng là đặc điểm thơ Tố Hữu, cũng là nền thơ kháng chiến Việt Nam: luôn vận động theo cảm hứng lãng mạn: hướng tới tương lai, ánh sáng và niềm vui. Qua đó là niềm tin vào tươi lai và cũng làm tròn chức năng văn học: phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến.

Chính sự vận động làm nên sự mới mẻ cho tác phẩm và giúp văn học thể hiện được sứ mệnh của mình. Văn học còn sống với con người tới ngày hôm nay, chính bởi vì nó không chỉ nằm im trên trang giấy mà đã hòa vào cuộc sống, vào lòng người.

-Hươ-

BÀI VIẾT SỐ 2 PHÂN TÍCH HAI ĐOẠN THƠ:"MÌNH ĐI CÓ NHỚ....ĐẬM ĐÀ LÒNG SON" VÀ "TIN VUI CHIẾN THẮNG....ĐÈO DE NÚI HỒNG"

Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Bằng trải nghiệm của một người chiến sĩ và nhãn quan của một thi sĩ, ông đã để lại cho văn chương những áng thơ bất hủ mà Việt Bắc là một điển hình. Cảm xúc của nhân vật trữ tình có sự vận động rõ nét, thể hiện qua hai đoạn thơ :"Mình đi có nhớ...đậm đà lòng son" và "Tin vui chiến thắng ... đèo De núi Hồng".

Việt Bắc là bản tình ca về tình quân dân cá nước, là tình cảm của người ra đi và người ở lại. Cho nên mỗi lời thơ, mỗi câu thơ đều chất chứa cái tình cảm quyến luyến, bịn rịn, tha thiết mà thủy chung vô ngần:

- "Mình đi có nhớ những ngày

- Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son"

Câu thơ là lời của người ở lại nhắn nhủ người ra đi về những tháng năm đã cùng nhau gắn bó. Cách xưng hô "Mình-ta" vốn đã rất quen thuộc trong những câu ca dao nghĩa tình:

- "Mình về ta chẳng cho về

- Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ"

Ở đây, Tố Hữu đã đem vào thơ chất dân gian đó, để tình cảm quân dân bỗng trở nên thân tình thắm thiết như tình yêu đôi lứa. Quân với dân như cá với nước, tình cảm của họ dành cho nhau chân thành, tha thiết như tình cảm gia đình. Có lẽ đó chính là nguồn động lực to lớn để họ quyết tâm đánh thắng kẻ thù. Người ở lại nhắc nhở người ra đi về những tháng ngày kham khổ, cùng nhau chia sớt những khó khăn vơi bớt, cùng nằm gai nếm mật, cùng gian khó hi sinh. Cụm từ "hắt hiu lau xám" với trung tâm là từ láy "hắt hiu" đã đặc tả hoàn cảnh khó khăn, kham khổ, thiếu thốn của cuộc sống chiến đấu. Người lính và người dân cùng nhau gặp phải, cũng cùng nhau trải qua cho nên họ rất hiểu và cảm thông cho những vất vả mà người kia gánh chịu. Nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt ấy lại đối lập hoàn toàn với tấm lòng son đậm đà mà quân dân dành cho nhau. Cách nói "Tấm lòng son" như một lời khẳng định về thứ tình cảm thắm thiết, không dễ gì lay chuyển của nhân dân miền núi Tây Bắc dành cho những anh bộ đội cụ Hồ. Bên cạnh gian khổ là tình cảm, bên cạnh thử thách là sự gắn bó, lúc nào họ cũng có thể nương tựa vào nhau. Có lẽ bởi vậy mà giọng thơ trở nên thật tha thiết, ẩn chứa sự lưu luyến và bịn rịn khôn nguôi. Nhịp thơ chậm rãi, giọng thơ tha thiết như tái hiện nỗi lòng của người ra đi và người ở lại. Có lẽ nhân vật trữ tình ở đây đang nhớ thương, luyến tiếc chẳng nỡ rời xa.

Khác với cảm xúc lưu luyến bâng khuâng khi chia tay nhân dân về thủ đô Hà Nội, giọng thơ bỗng chuyển qua khỏe khoắn, vui tươi khi nhận được tin vui chiến thắng:

- "Tin vui chiến thắng trăm miền

- Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

- Vui từ Đồng Tháp, An Khê

- Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng"

Những tin vui chiến thắng liên tục và dồn dập làm nức lòng cả quân và dân ta. Điệp từ "vui" được dùng đi dùng lại bốn lần khiến niềm vui như những con sóng trào dâng, dồn dập, như đổ ập vào lòng người. Giọng thơ khỏe khoắn, dồn dập, nhanh càng làm nổi bật niềm vui chiến thắng của quân dân ta trên mọi nẻo đường, mọi con đường trên dải đất hình chữ S. Tác giả đã liệt kê ra một loạt các địa danh khác nhau để tăng tính chân thực, ngầm khẳng định sự toàn thắng của ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Xét cho cùng, Tố Hữu đã rất tinh tế khi đưa vào thơ mạch cảm xúc của mình mà không khiến thơ trở thành nơi bộc lộ cảm xúc giản đơn. Thơ ông vừa là khúc tình ca đưa ru, vừa là khúc hùng ca cách mạng để thức tỉnh. Ông thổi hồn vào từng lời thơ cái chất lạc quan, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ để cổ vũ tinh thần nhân dân đứng lên chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Cho nên thơ ông lại chất chứa niềm vui thắng trận, cảm xúc thơ dội vào lòng người đọc khiến họ không thể không bị cuốn vào những vần thơ hay.

Mạch cảm xúc có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu như đoạn trên là tình cảm gắn bó, quyến luyến, tha thiết cá nhân của người ra đi và người ở lại thì đoạn thơ sau lại nâng lên thành niềm vui chung của cả dân tộc trước tin chiến thắng. Giọng thơ từ chậm rãi, tha thiết chuyển thành nhanh, dồn dập, chất chứa niềm vui thắng trận. Tố Hữu đã xoay chuyển khúc thơ của mình, biến nó trở thành khúc ca vang của thời đại, biến tình cảm riêng tư thành tình cảm chung của cộng đồng. Vì vậy, thơ ông vừa gần gũi, gắn bó, lại vừa đặc sắc, xứng danh khúc thơ thời đại. Có lẽ do vậy mà "Việt Bắc" vẫn mãi luôn sống trong trái tim độc giả như một niềm thơ.

Vạn vật luôn biến đổi không ngừng nhưng những gì thuộc về văn chương nghệ thuật chân chính sẽ chiến thắng sự nghiệt ngã của thời gian. Qua bao thăng trầm lịch sử, "Việt Bắc" sẽ mãi là khúc hùng ca, tình ca cách mạng, để sau này đời đời còn mãi khắc ghi.

-Minh Anh-