Truyện Ngắn - Quán Ăn Cũ - Triều Nguyễn QfgPUsa

Tác phẩm: Quán Ăn Cũ

Tác giả: Triều Nguyễn

Nội dung:​

Những cánh mai dần tàn, rơi rụng trên khắp các con đường lớn nhỏ của thị trấn cũ kỹ, dấu hiệu của một mùa xuân nữa sắp đi qua. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến thì những người con xa xứ lại lũ lượt trở về để hưởng cái không khí đoàn viên, rồi không được bao lâu lại đổ xô đi tứ xứ, gánh nặng mưu sinh khiến họ chẳng thể nào lưu lại cái thị trấn nhỏ bé này được quá mươi bữa, nữa tháng. Ở đây, mấy ngày Tết đã chẳng đông đúc người cho mấy, bấy giờ hết Tết thì dường như càng thêm vắng vẻ, hiu quạnh.

Trên con hẻm nhỏ, hoa mai rụng đầy như một tấm thảm vàng ươm, kéo dài đến tận mấy ngôi nhà cuối phố. Xa xa cuối con hẻm, một bà lão nhỏ thó đang loay hoay nhóm những cánh hoa thành từng đống nhỏ, miệng lẩm nhẩm:

- Cái lão già khó chịu, ngày Tết thì hoa mai nở, hoa nở xong lại tàn, lão cứ bắt mình phải dọn sạch không còn một cánh hoa mới chịu, hứ!

Chồng bà có một cái quán ăn nhỏ từ đời cha của lão truyền lại, tới bây giờ cũng đã được hơn sáu chục năm. Từ ngày lão lấy bà về, hai vợ chồng vẫn kiếm sống nhờ cái quán ăn xập xệ này. Mấy năm gần đây lão cứ luôn miệng than thở, bảo rằng cái gì tuổi già sức yếu, bệnh tật kéo tới, đầu óc cũng bắt đầu lú lẩn, thành thử mọi việc lớn nhỏ trong quán bà phải một tay cáng đáng. Hơn một tháng nay lão đột nhiên lăn đùng ra bệnh, nằm liệt giường, ấy vậy mà sáng nay thấy hoa mai rớt đầy trước cửa, lão đùng đùng nổi giận, bắt bà một hai phải dọn cho bằng sạch thì thôi. Từ Tết tới giờ cũng đã hơn một tháng, cái quán ăn cũ kỹ này có mấy ma ghé tới đâu mà lão cứ bắt phải dọn dẹp sạch sẽ quá đáng như thế, bà vừa quét hết mấy cánh mai cuối cùng vừa chửi thầm:

- Chắc là lão lại nhớ đến con bé, hừ, đúng là cái lão già hay để bụng!

Bà quét xong thì trở vào trong quán, dọn dẹp lại cái tủ kính đựng thức ăn cho gọn gàng, miệng vẫn không ngừng lẩm bẩm...

Mấy hôm nay trời ấm áp hơn hẳn, chắc là trời sắp vào hạ. Bà lão mở cửa quán thật sớm, tranh thủ dọn dẹp để bán vào buổi trưa. Bà còn đang luôn chân luôn tay bỗng nghe sau lưng có giọng nói lanh lảnh:

- Bà ơi! Có gì ăn không ạ, cháu đói quá!

Vừa nghe tiếng nó bà đã nhoẻn miệng cười, là thằng Tít, cháu ngoại bà. Bà quay lại xoa đầu nó, cười hỏi:

- Thế thằng bố mày đâu sao lại để mày sang đây? Còn mày sao không đi học?

Thằng Tít xị mặt, trước giờ nó vẫn không thích bà gọi bố nó như thế, nhưng nói mãi mà bà ngoài có bao giờ chịu sửa đâu! Nó khó chịu một chút rồi thưa:

- Hôm nay cháu được nghỉ, bố phải vào viện chăm mẹ nên bảo cháu sang đây. Bà có gì ăn không? Cháu hơi đói!

Thằng nhỏ mới có chín tuổi mà cứ khó chịu như ông già, thiệt giống hệt ông ngoại nó, bà nhìn nó rồi lắc đầu, bảo cu cậu đi vào trong rồi sẽ nấu cho nó một bát mì, mới sáng sớm đã kịp chuẩn bị gì đâu.

Thằng Tít ăn hết bát mì rồi vội vã chào bà ngoại, chạy thẳng một hơi ra ngoài đường lớn, mất tăm. Bà còn đang sửa soạn trong bếp, vừa nghe tiếng đứa cháu ngoại, quay lại thì chỉ thấy cái bóng của nó đổ dài ở trước cửa, đã chạy xa lắm rồi! Bà lắc đầu, thở dài:

- Con với chả cháu, đứa nào cũng như đứa nào, chẳng mấy khi mà chúng chịu ở lâu một chút...

Lễ Tết qua rồi, cuộc sống lại quay về với cái guồng quay vốn có của nó. Những người đi làm ăn xa thì đã vội vã bắt những chuyến xe đầu xuân, ai còn vấn vương với cái thị trấn nhỏ bé này thì nấn ná lại thêm ít hôm, đến hôm nay đã là giữa tháng hai, trong khu phố chỉ thấy mấy mống người qua lại. Gần cái quán ăn mang tên "Cũ" có một công trường xây dựng đang thi công, trưa trưa lại có một tốp mấy anh công nhân kéo vào quán ăn uống, nhờ đó mà mấy ngày nay bà cũng kiếm được thêm một mớ khách.

Mặt trời đã cao quá đầu, ánh nắng giữa trưa thật chói chang, mấy cánh hoa mai còn xót lại bay phất phơ, nhìn xa xa trông như những con bướm vàng đang tung tăng trong gió. Năm, sáu người đàn ông cao lớn, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhạy kéo vào quán ăn "Cũ". Tấm biển màu đỏ có duy nhất một chữ "Cũ" được viết bằng mực đỏ theo lối thư pháp treo lủng lẳng trên cửa, gió tạt qua làm nó đung đưa như một con lắc đồng hồ, mém chút nữa đã va trúng vào đầu một người trong số họ. Một người đàn ông hơi gầy, đội trên đầu cái mũ bảo hộ màu trắng đưa tay giữ tấm biển lại, cười ha ha rồi nói lớn với bà chủ quán đang đứng bên trong:

- Cụ làm ăn khấm khá sao không đổi quách cái biển hiệu này đi, bây giờ biển hiệu điện tử đầy rẫy ra, ai lại treo cái biển hiệu lủng lẳng vừa cũ vừa nguy hiểm như này nữa!

Bà lão thấy mấy anh khách quen đi vào, vội dọn dẹp một cái bàn phía trong cùng của quán, tay thoăn thoắt lau mấy cái ghế nhựa màu đỏ thẫm, miệng không quên trả lời người đàn ông kia:

- Cái quán ăn cũ kỹ này thì mỗi ngày kiếm được mấy đồng mấy cắc, các anh thử một ngày ghé đây năm lần mười lượt ủng hộ lão đi, chẳng những lão thay biển hiệu mới mà có khi còn mướn thêm mấy cô phục vụ chân dài nữa không chừng, hà hà!

Bà nói xong thì cười ra vẻ hoan hỷ, rồi lật đật quay vào bếp làm thức ăn cho họ. Mấy người này là khách quen, hầu như ngày nào cũng gọi đúng mấy món, riết rồi bà thấy họ đến thì cứ mấy món đó mà làm, hôm nào họ đổi ý muốn ăn món khác tự sẽ nói với bà.

Bà lão vừa mang đồ ăn ra cho nhóm công nhân xây dựng, trước cửa quán thấy có cái bóng đen in dài trên mặt đường. Cái bóng dài lê thê nhưng nhỏ nhắn, người đến trước cửa vừa cao vừa ốm như cây nêu, bà chưa thấy mặt người đó đã lớn tiếng nói ra:

- Hôm nay cụ Hóa ghé quán tôi, quả là quý hóa quá!

Ông già Hóa đã bước chân đến trước cửa, nhìn vào trong, thấy bà lão đang nhìn mình mỉm cười thân thiện, ông cau mày nói:

- Tôi chỉ đi ngang qua đây thôi, chị Nghị hiểu lầm rồi!

Bà vẫn cười vui vẻ, bà biết cái tính lão hàng xóm của mình quá rõ, từ ngày con gái lão mất, lão cứ ru rú trong nhà, mấy khi đi ra ngoài mà lại tình cờ ngang qua đây. Bà cười với lão rồi nói:

- Nếu đã tình cờ đi qua đây sao không sẵn tiện ghé vào ủng hộ tôi? Dù gì cũng là cái tình làng nghĩa xóm cơ mà!

Bà không đợi lão đồng ý đã chạy ra kéo tay lão lôi vào. Ông Hóa làm ra vẻ miễn cưỡng bước vào trong. Ông đi thẳng vào một cái bàn nhỏ bên cạnh bàn của mấy anh công nhân xây dựng, ngồi thụp xuống rồi nhìn ngó một hồi, lúc sau mới hỏi bà Nghị:

- Anh nhà hôm nay không nấu à? Lão lại đi đánh cờ ở cái hội cờ ơ cờ ất gì đấy rồi phải không?

Cái hội cờ ơ cờ ất mà lão nói chính là cái hội "Cờ cho người cao tuổi" mà chồng bà Nghị tham gia bấy lâu nay. Bà vốn cũng không ưa gì cái thói mê cờ của ông chồng già, những mong họ dẹp quách cái hội ất ơ đó đi cho người ta chuyên tâm làm việc, ai đời già đến tóc xanh thành tóc bạc rồi mà suốt ngày cứ tụm năm tụm bảy bu quanh cái miếng gỗ vuông vuông nhỏ xíu, chẳng chịu phụ giúp vợ con. Giọng bà lanh lãnh, séo sắc chẳng kém gì mấy người cho vay nặng lãi, cải lộn mướn:

- Nhắc đến lão chỉ tổ bực mình thôi, lão hết mê cờ rồi đâm sang mê giường mê gối, ăn Tết xong lại ốm nằm liệt giường liệt chiếu rồi, đang nằm dài trong nhà như cọng bún thiu kia kìa! Mà cụ hỏi lão làm gì, hồi xưa ông cụ truyền nghề là truyền cho cả hai vợ chồng, có phải chỉ dạy riêng cho một mình lão đâu, có món nào lão nấu được mà tôi không biết nấu! Cụ vẫn dùng cơm trắng với rau luộc, kho quẹt phải không?

Ông Hóa nhìn bà như dò xét, ánh mắt hiện rõ nét nghi ngờ, một hồi mới nhè nhẹ gật đầu.

Thoáng chốc một thố cơm trắng nóng hổi, khói nghi ngút; một đĩa rau luộc xanh ươm cùng bát kho quẹt đã có trên bàn. Ông Hóa chầm chậm dùng bữa, nét mặt vẫn không có gì thay đổi, vẫn cau có khó chịu như vậy.

Ông ăn xong bữa thì đứng dậy đi đến quầy, gọi là quầy nhưng thực ra chỉ là một cái bàn nhỏ bằng gỗ, xem chừng sắp mục nát đến nơi, ông đếm tới đếm lui mấy tờ giấy bạc rồi đưa cho bà Nghị, cáu kỉnh nói:

- Vẫn chưa lên giá đấy chứ?

Bà Nghị nhìn ông, nghĩ thầm: "Cái lão này xưa nay vốn nổi tiếng khó gần, hàng xóm chung quanh có mấy ai qua lại với lão đâu! Hơn một năm nay lão lủi thủi trong nhà, năm thì mười họa mới sang đây ăn cơm, lại ăn đúng cái món mà lão thích, đến một câu khen cho dễ nghe cũng không có, đã vậy lại còn nói cái giọng xấc xược, hừ, đúng là lão già khó ưa! Mà mấy lão già ở khu phố này cũng không có lão nào dễ ưa cả!" Bà nhận lấy mấy tờ bạc của lão, nói:

- Khách khác thì tôi tính lên giá cả rồi, nhưng cụ Hóa là khách quen mười mấy năm nay, lại là chỗ làng xóm láng giềng, nên cứ giá cũ thôi ạ!

Ông Hóa chẳng thèm ư hử gì, quay đầu đi thẳng ra cửa. Cái bóng đen vừa cao vừa gầy đổ dài trên mặt đường, tưởng chừng như lê thê, một lúc sau thì hoàn toàn mất hút.

Đèn đường bừng lên, sau mấy lượt khách lúc sập tối, bà Nghị lại như bao ngày, dọn dẹp mọi thứ đâu vào đấy rồi vào trong chăm nom lão chồng già bệnh tật. Bà kéo cánh cửa sắt lại, toan tắt đèn bỗng nghe tiếng người gọi:

- Cụ ơi khoan đóng cửa!

Bà nheo mắt nhìn, thấy sau song cửa là anh Hoàng, công an khu vực. Bà đi ra mở cửa, khổ nỗi cái cửa này chịu mưa chịu nắng bao nhiêu năm, han gỉ hết bảy, tám phần, hai người hì hục hết một lúc mới mở ra được. Bà nhìn anh Hoàng, nói:

- Tiên sư nhà anh, lại tham công tiếc việc đấy hử? Vào trong coi còn cái gì thì ăn đi, vẫn tính tiền như thường lệ đấy nhé!

Nói rồi bà vội vàng đi vào nhà. Anh Hoàng ở khu phố kế bên, cũng là mối ruột của quán ăn này, gần hai năm nay anh đều ghé đây ăn tối sau khi tan sở. Quán của bà Nghị sau sáu giờ tối hầu như đã hết khách, hôm nào anh về trễ thì bà cụ cứ mặc anh tự làm đồ ăn, còn mình thì vào trong nhà chăm nom cho ông chồng. Anh Hoàng vào bếp, hâm nóng chỗ thức ăn còn thừa của buổi chiều rồi tự dọn ra bàn ăn. Mãi một lúc sau bà Nghị mới đi ra, bà kéo cái ghế, ngồi xuống kế bên anh, nói:

- Cái Thùy nó mất cũng gần hai năm rồi, sao anh không đi bước nữa, tội tình gì mà cứ khổ sở như vậy?

Anh Hoàng đặt cái chén xuống bàn, trầm ngâm. Anh suy nghĩ một hồi lâu mới hỏi:

- Lâu nay cháu không ghé qua chỗ ông cụ, bà có gặp ông ấy không ạ?

Bà Nghị xì một tiếng, bĩu môi nói:

- Cái lão già khó ưa đó thì chịu gặp ai? Lão cứ ở mãi trong nhà như con ma xó, mãi đến trưa nay mới vác xác tới đây ăn cơm, không khéo lại sắp có bão to!

Anh Hoàng cười gượng, ăn hết bát cơm rồi ra về. Bà Nghị gọi với theo sau:

- Có rãnh thì ghé qua thăm lão một tí, anh việc gì phải trốn tránh như vậy, mà có muốn tránh cả đời cũng không được đâu!

Bà nói hết câu thì anh đã quẹo ra đường lớn, cũng chẳng biết anh có nghe được mình nói hay không, bà đóng cửa rồi tắt đèn, trở vào trong nhà...

Hôm nay trời mưa, mưa rất lớn, không hiểu sao mới đầu năm mà mưa gió cứ như tháng mười, tháng mười một âm lịch. Bà Nghị không mở cửa quán, bà ngồi bên giường của ông chồng, nhìn lão chằm chằm mà thở dài:

- Già hai thứ tóc, sắp chết đến nơi mà còn giận dỗi như đám con nít!

Ông lão hai mắt nhắm nghiền nhưng thần sắc vẫn còn tỉnh táo lắm, ông buồn rầu nói:

- Tôi có giận hờn gì nó, ngày đó tôi kiên quyết không cho nó lấy thằng Sang, cái thằng suốt ngày lêu lổng, có biết làm ăn gì phỏng. Cuối cùng thì nó cũng lấy rồi đấy thôi, cái thân già này có nói cũng chả ma nào thèm nghe, đến mụ vợ sống chung mấy mươi năm còn chả chịu nghe nữa là!

Bà Nghị biết lão chửi xéo mình, tặc lưỡi:

- Lần trước nó biết lão bệnh, vợ chồng con cái đều dắt nhau sang đây thăm, thế mà lão một câu cũng không thèm nói với chúng nó, cứ nhắm mắt nằm im như chết rồi. Bây giờ nó nằm viện rồi, lão có chết thật thì cũng không gặp được nó lần cuối đâu!

Bà còn đang định trách móc lão thêm mấy câu, chợt nghe tiếng thằng cháu ngoại gọi ngoài cửa, mới chịu đi ra khỏi phòng.

Bà cốc nhẹ đầu nó một cái, cười hiền từ, so với lúc ở gần ông chồng thì bây giờ nhìn bà cứ như một người hoàn toàn khác. Bà hỏi nó:

- Nghe bảo hôm nay thằng bố mày vào viện chăm vợ, sao mày không theo nó vào trong đấy, lê la đến đây làm gì? Bộ mày muốn lớn lên cũng bất hiếu như mẹ mày hay sao?

Thằng Tít nghe mấy lời hằn học của bà mãi thành quen, nó biết bà ngoại không bao giờ rầy la nó, chẳng qua lời nói của bà ấy hơi khó nghe. Nó lấy trong cặp sách ra một cái khăn nhỏ, lau đầu tóc bị ướt rồi nói:

- Bố cháu bảo mấy hôm nay bệnh viện đông người lắm, cháu học xong thì qua ngoại ăn cơm, mình bố ở trong đấy chăm mẹ với em là được rồi ạ!

Nó ngưng lại một lát, rồi rụt rè hỏi:

- Bà ơi! Có phải... có phải sau khi sinh em ra, bố mẹ sẽ không còn...không còn yêu thương cháu nữa phải không ạ?

Nó òa lên, khóc nức nở.

Bà kéo nó lại, ôm nó, vuốt ve, một lúc sau mới hỏi:

- Ai bảo với cháu như thế?

Nó càng khóc nức nở hơn, vừa nấc lên vừa trả lời:

- Ai gặp cháu cũng bảo như thế, vậy chắc họ nói thật phải không ạ?

Bà lấy tay quẹt hai hàng nước mắt trên má nó, nói:

- Cháu khờ quá, bố mẹ tất nhiên sẽ yêu thương em như yêu thương cháu vậy. Khi em còn bé, bố mẹ phải chăm lo cho em nhiều hơn, giống như lúc cháu còn bé cũng thế. Cháu là anh trai, đáng ra phải yêu thương em, đằng này em chưa ra đời mà cháu đã đố kỵ với em rồi, có phải là xấu tính lắm không hả?

Nó ngừng khóc, quẹt quẹt mấy giọt nước mắt rồi gật đầu. Bà cười thầm: "Thằng bé này xem ra hiểu chuyện còn hơn cả người lớn!" Bà dắt nó vào trong chào ông ngoại. Lão nằm trên giường, hai mắt nhắm nghiền, nghe tiếng đứa cháu ngoại vẫn không chịu mở mắt ra nhìn, gương mặt già nua hốc hác dường như có mấy phần hoan hỉ...

Còn tiếp...