Đời người tưởng dài mà ngắn lắm
Trời đã sắp khuya, có một người đàn ông ngồi ở cổng bệnh viện dáng vẻ vô cùng sầu não. Ở cái nơi này, hầu hết những người đến đều không thể vui, nhưng tôi chú ý đến người đàn ông ấy bởi nhìn hình xăm trổ trên người khắc hẳn với vẻ mặt khổ đau cam chịu. Tôi hỏi: "Muộn rồi sao bác không về đi, lại ngồi ở cổng thế này?" Người đàn ông tay vò vò những tờ giấy xét nghiệm trong tay rồi trả lời: "Tôi không biết có nên về nhà không? Một công việc cũng không có mà làm thì lấy đâu ra số tiền như vậy hàng tháng chỉ để duy trì sự sống cơ chứ. Cô nói xem, sao lại là tôi, sao lại là tôi?" Tôi tự dưng muốn ngồi lại bên người đàn ông này.
Cuộc đời ông là một chuỗi ngày lang bạt. Từ nhỏ ông đã có tính ham chơi, cha mẹ ông vì bận rộn mưu sinh đã không có thời gian để tâm đến cậu "quý tử" đang tuổi lớn chi ham đua đòi lêu lổng. Mười ba tuổi ông bỏ nhà đi bụi theo đám giang hồ đường phố. Để có thể sống, ông làm đủ thứ kể cả trộm cắp và cướp giật. Tuổi thanh niên, ông dắt về nhà một cô gái mồ côi chuyên bán bánh mì và tuyên bố với cha mẹ mình đã có vợ. Thật may, vợ ông là cô gái hiền lành, chịu khó nên rất được bố mẹ chồng thương yêu. Nhưng bấy nhiêu cũng không đủ giữ chân "con ngựa bất kham". Ông xem nhà như quán trọ, chỉ thỉnh thoảng ghé chân về, ba đứa con của ông ra đời trong những lần như thế.
Cả đời ông chưa bao giờ biết đến hai từ "trách nhiệm". Trách nhiệm với cha mẹ, với vợ con. Điều ông đem đến cho họ chỉ có những sầu lo và buồn khổ. Nhưng chỉ có nơi đó mới luôn chào đón ông trở về mà không bao giờ than trách hay đòi hỏi. Cha mẹ ông lần lượt qua đời mà không được gặp con. Những đứa con ông lầm lụi lớn lên không hề biết đến tình yêu của bố. Còn vợ ông, có lẽ chịu đựng nhiều đã thành quen.
Ở tuổi đã sắp sang bên kia con dốc của cuộc đời, bất chợt ông lại thấy thèm những giây phút bình yên. Ông trở về nhà trong sự bao dung của vợ con. Sáng sáng ông dậy sớm đi lấy bánh mì rồi về lăng xăng phụ vợ bán đồ ăn sáng. Ngày trôi qua ngày như thế. Nụ cười đã nở trên môi vợ ông. Những đứa con vui như bố trở về sau bao năm thất lạc. Và ông tiếc, giá như ông tỉnh ngộ sớm hơn thì những ngày vui sống của ông đã nhiều biết mấy. Nhưng muộn vẫn còn hơn không.
Dạo này ông thấy người mệt mỏi, huyết áp đột ngột tăng cao, luôn thấy người hồi hộp và khó thở, vợ ông đòi đưa ông đi khám. Không muốn vợ mất một buổi chợ, ông tự đi một mình. Sau khi làm một loạt xét nghiệm, cầm kết quả trên tay ông tưởng mình như gục ngã, ông đã bị suy thận giai đoạn 4. Như lời bác sĩ, để duy trì sự sống ông phải chạy thận nhân tạo tuần 3 lần, mỗi tháng số tiền lên đến hơn 5 triệu, gia đình ông lấy đâu ra, khi mà cuộc sống gia đình ông rất chật vật.
Ông đã ngồi thẫn thờ ở cổng từ trưa đến giờ, có lẽ đã rất mệt vì đói. Đôi mắt nhìn trân trân vào màn hình điện thoại hiển thị rất nhiều cuộc gọi nhỡ của vợ và con ông rồi lại lẩm nhẩm câu hỏi cũ: Sao lại là tôi cơ chứ?
Tôi hỏi: "Sao không thể là ông?"
- Vì cuộc sống của tôi như chỉ mới bắt đầu thực sự. Tôi đã lãng phí hơn nửa cuộc đời, và tôi muốn thời gian còn lại sẽ khác. Tôi còn chưa làm được gì có ích để bù đắp cho vợ con tôi. Tôi muốn.. tôi muốn..
Tôi không thể trả lời câu hỏi của ông, chỉ biết khuyên ông hãy trở về, đừng khiến vợ con lo lắng. Và tôi cũng trở về trong nỗi hoang mang tự vấn. Chính tôi trong những thời khắc đau khổ hay bất hạnh nào đó ập xuống đời mình cũng từng tự hỏi: "Sao người ta có mọi thứ, mình thì lại như thế này. Sao không phải ai khác mà lại là mình chứ?" Và có lẽ có rất nhiều người từng bật ra câu hỏi như thế. Hỏi chỉ để thấy lòng chán nản và đau đớn thêm.
"Sao lại là tôi?". Ồ, sao không thể là tôi chứ. Mỗi người chúng ta đến với thế giới này bằng một cách giống nhau, chỉ là khác nhau về cách sống. Những gì chúng ta có là do chúng ta cố gắng. Cố gắng hết sức mà vẫn không có là do tài lực chúng ta không đủ. Đôi khi, biết bằng lòng với những gì mình có cũng là cách tự tạo hạnh phúc cho bản thân. Còn cái thứ gọi là "may mắn" thực ra không chọn người để trao. Có lần tôi nói với một người bạn: "Sao những người hiền lành lại hay mất sớm, còn những kẻ ác lại cứ sống nhơn nhơn ra thế" Và bạn trả lời tôi: "Vì họ hiền lành nên được lên thiên đàng sớm hơn". Câu trả lời đó khiến tôi có chút hài lòng. Không có điều gì tồi tệ hơn mất đi một con người, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm ra lí do để tự xoa dịu nỗi đau.
Thực ra không ai muốn chết, dù phải sống khổ sống sở. Thậm chí cả những người muốn tới thiên đường cũng không phải muốn chết để lên được đó. Và cái chết là điểm đến của tất cả chúng ta, không ai trốn thoát. Nhưng trước khi chết, cuộc sống là của chúng ta, nằm trong tay chúng ta. Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống. Cuộc sống đó có thể buồn nhiều hơn vui, có thể bất hạnh nhiều hơn may mắn, nhưng quan trọng hơn là mình không phải hối tiếc quá nhiều về những ngày đã qua.
Đời người tưởng dài mà ngắn lắm. Và chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất, không thể sống thử, cũng không thể sống nháp rồi lại xóa đi như một trang viết. Vậy nên, tôi vẫn luôn tự nhắc mình hãy cố gắng sống thế nào để khi nhìn lại mọi điều sẽ không phải hối tiếc thốt ra hai từ "Giá như..".
Trời đã sắp khuya, có một người đàn ông ngồi ở cổng bệnh viện dáng vẻ vô cùng sầu não. Ở cái nơi này, hầu hết những người đến đều không thể vui, nhưng tôi chú ý đến người đàn ông ấy bởi nhìn hình xăm trổ trên người khắc hẳn với vẻ mặt khổ đau cam chịu. Tôi hỏi: "Muộn rồi sao bác không về đi, lại ngồi ở cổng thế này?" Người đàn ông tay vò vò những tờ giấy xét nghiệm trong tay rồi trả lời: "Tôi không biết có nên về nhà không? Một công việc cũng không có mà làm thì lấy đâu ra số tiền như vậy hàng tháng chỉ để duy trì sự sống cơ chứ. Cô nói xem, sao lại là tôi, sao lại là tôi?" Tôi tự dưng muốn ngồi lại bên người đàn ông này.
Cuộc đời ông là một chuỗi ngày lang bạt. Từ nhỏ ông đã có tính ham chơi, cha mẹ ông vì bận rộn mưu sinh đã không có thời gian để tâm đến cậu "quý tử" đang tuổi lớn chi ham đua đòi lêu lổng. Mười ba tuổi ông bỏ nhà đi bụi theo đám giang hồ đường phố. Để có thể sống, ông làm đủ thứ kể cả trộm cắp và cướp giật. Tuổi thanh niên, ông dắt về nhà một cô gái mồ côi chuyên bán bánh mì và tuyên bố với cha mẹ mình đã có vợ. Thật may, vợ ông là cô gái hiền lành, chịu khó nên rất được bố mẹ chồng thương yêu. Nhưng bấy nhiêu cũng không đủ giữ chân "con ngựa bất kham". Ông xem nhà như quán trọ, chỉ thỉnh thoảng ghé chân về, ba đứa con của ông ra đời trong những lần như thế.
Cả đời ông chưa bao giờ biết đến hai từ "trách nhiệm". Trách nhiệm với cha mẹ, với vợ con. Điều ông đem đến cho họ chỉ có những sầu lo và buồn khổ. Nhưng chỉ có nơi đó mới luôn chào đón ông trở về mà không bao giờ than trách hay đòi hỏi. Cha mẹ ông lần lượt qua đời mà không được gặp con. Những đứa con ông lầm lụi lớn lên không hề biết đến tình yêu của bố. Còn vợ ông, có lẽ chịu đựng nhiều đã thành quen.
Ở tuổi đã sắp sang bên kia con dốc của cuộc đời, bất chợt ông lại thấy thèm những giây phút bình yên. Ông trở về nhà trong sự bao dung của vợ con. Sáng sáng ông dậy sớm đi lấy bánh mì rồi về lăng xăng phụ vợ bán đồ ăn sáng. Ngày trôi qua ngày như thế. Nụ cười đã nở trên môi vợ ông. Những đứa con vui như bố trở về sau bao năm thất lạc. Và ông tiếc, giá như ông tỉnh ngộ sớm hơn thì những ngày vui sống của ông đã nhiều biết mấy. Nhưng muộn vẫn còn hơn không.
Dạo này ông thấy người mệt mỏi, huyết áp đột ngột tăng cao, luôn thấy người hồi hộp và khó thở, vợ ông đòi đưa ông đi khám. Không muốn vợ mất một buổi chợ, ông tự đi một mình. Sau khi làm một loạt xét nghiệm, cầm kết quả trên tay ông tưởng mình như gục ngã, ông đã bị suy thận giai đoạn 4. Như lời bác sĩ, để duy trì sự sống ông phải chạy thận nhân tạo tuần 3 lần, mỗi tháng số tiền lên đến hơn 5 triệu, gia đình ông lấy đâu ra, khi mà cuộc sống gia đình ông rất chật vật.
Ông đã ngồi thẫn thờ ở cổng từ trưa đến giờ, có lẽ đã rất mệt vì đói. Đôi mắt nhìn trân trân vào màn hình điện thoại hiển thị rất nhiều cuộc gọi nhỡ của vợ và con ông rồi lại lẩm nhẩm câu hỏi cũ: Sao lại là tôi cơ chứ?
Tôi hỏi: "Sao không thể là ông?"
- Vì cuộc sống của tôi như chỉ mới bắt đầu thực sự. Tôi đã lãng phí hơn nửa cuộc đời, và tôi muốn thời gian còn lại sẽ khác. Tôi còn chưa làm được gì có ích để bù đắp cho vợ con tôi. Tôi muốn.. tôi muốn..
Tôi không thể trả lời câu hỏi của ông, chỉ biết khuyên ông hãy trở về, đừng khiến vợ con lo lắng. Và tôi cũng trở về trong nỗi hoang mang tự vấn. Chính tôi trong những thời khắc đau khổ hay bất hạnh nào đó ập xuống đời mình cũng từng tự hỏi: "Sao người ta có mọi thứ, mình thì lại như thế này. Sao không phải ai khác mà lại là mình chứ?" Và có lẽ có rất nhiều người từng bật ra câu hỏi như thế. Hỏi chỉ để thấy lòng chán nản và đau đớn thêm.
"Sao lại là tôi?". Ồ, sao không thể là tôi chứ. Mỗi người chúng ta đến với thế giới này bằng một cách giống nhau, chỉ là khác nhau về cách sống. Những gì chúng ta có là do chúng ta cố gắng. Cố gắng hết sức mà vẫn không có là do tài lực chúng ta không đủ. Đôi khi, biết bằng lòng với những gì mình có cũng là cách tự tạo hạnh phúc cho bản thân. Còn cái thứ gọi là "may mắn" thực ra không chọn người để trao. Có lần tôi nói với một người bạn: "Sao những người hiền lành lại hay mất sớm, còn những kẻ ác lại cứ sống nhơn nhơn ra thế" Và bạn trả lời tôi: "Vì họ hiền lành nên được lên thiên đàng sớm hơn". Câu trả lời đó khiến tôi có chút hài lòng. Không có điều gì tồi tệ hơn mất đi một con người, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm ra lí do để tự xoa dịu nỗi đau.
Thực ra không ai muốn chết, dù phải sống khổ sống sở. Thậm chí cả những người muốn tới thiên đường cũng không phải muốn chết để lên được đó. Và cái chết là điểm đến của tất cả chúng ta, không ai trốn thoát. Nhưng trước khi chết, cuộc sống là của chúng ta, nằm trong tay chúng ta. Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống. Cuộc sống đó có thể buồn nhiều hơn vui, có thể bất hạnh nhiều hơn may mắn, nhưng quan trọng hơn là mình không phải hối tiếc quá nhiều về những ngày đã qua.
Đời người tưởng dài mà ngắn lắm. Và chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất, không thể sống thử, cũng không thể sống nháp rồi lại xóa đi như một trang viết. Vậy nên, tôi vẫn luôn tự nhắc mình hãy cố gắng sống thế nào để khi nhìn lại mọi điều sẽ không phải hối tiếc thốt ra hai từ "Giá như..".