Vẫn Còn Những Tiếng Vịt Kêu​

Tác giả: Nguyễn Chí Ngoan​

Một hôm má mua mang về nhà một chục con vịt đẻ. Má bỏ đám vịt vào cái chuồng lưới được rào bên cạnh bờ ao, mấy miếng lá cũ lúc dỡ chái bếp sau nhà được má lợp lại làm chỗ che nắng che mưa cho bầy vịt. Mười năm rồi, nhà mới có tiếng vịt kêu. Sau ngần ấy năm chắc đủ làm con người ta nguôi ngoai đi những chuyện buồn trong đời mình.

Hồi đó nhà tôi luôn có một bầy vịt đẻ. Cứ mỗi buổi sáng má lại dậy thật sớm ra nhặt những trứng vịt trong chuồng. Mỗi ngày đều đặn như thế, má để dành những trứng vịt trong cái thúng nhỏ, đợi đến đủ ba chục trứng vịt. Tôi lại lội bộ một đỗi đường đem đếm lại cho cái tiệm tạp hóa ngoài ngã tư, để đổi lấy ít tiền gởi cho anh Tư trên thành phố. Những mùa lúa chét, tôi lại cùng má ra đồng mót lúa về cho vịt ăn, lúc ấy trứng vịt to, vỏ trứng dày nên khi đếm lại cho chủ tiệm rất được giá. Những mùa không có lúa, bầy vịt ăn lúa trộn với mớ chuối cây xắc nhỏ, bầy vịt ốm tong ốm teo, trứng vịt thì bé tẹo, vỏ trứng mỏng dễ bể nên bán chẳng được là bao. Lúc ấy, hình ảnh má chống cằm ngồi nhìn xa xăm cứ quanh quẩn trong tâm trí của đứa trẻ con như tôi. Hết bầy vịt này đến bầy vịt khác, bầy vịt già đẻ hết nổi má lại mang ra chợ bán mà chẳng bao giờ dám ăn một con. Má chắt chiu từng đồng bạc lẻ để gởi đóng tiền học phí cho anh Tư.

Chỉ có trứng vịt bị nứt thì tôi mới được ăn. Bữa đó tôi thức dậy thật sớm, tôi lén má vào chuồng vịt khỏ vào 3 cái trứng để nó vỡ ra. Lúc má ra nhặt trứng, nhìn 3 cái trứng vịt vỡ, tiếng thở dài ngày đó của má mênh mông, mênh mông lắm. Hôm đó tôi được ăn món trứng mình thích mà đâu hay má ngồi lặng lẽ với những dòng thư anh Tư viết gởi về. Nhà nghèo đến nỗi ăn một trứng vịt cũng phải cân nhắc, tôi tự hứa với lòng mình khi lớn lên tôi sẽ rời xa cái vùng đất này, rời xa những ngày đói rách, rời xa tiếng vịt kêu giữa trưa nóng bức. Để khi ăn món trứng lòng như chùn lại trước những tháng ngày đã qua.

Truyện Ngắn - Vẫn Còn Những Tiếng Vịt Kêu - Nguyễn Chí Ngoan 56504209_2333738319982453_7768124236639502336_n.jpg?_nc_cat=106&_nc_oc=AQm3Warx_g8xgvzrSGOjxaPD82o1CfAgcC0N4zrBcBlhwmxI3mZlkNoafSZtI_FVLGmAuMUmWm0watBEO0Yfw0nu&_nc_ht=scontent.fhan2-2

Anh Tư vẫn thường nói, nhờ bầy vịt đẻ, nhờ những trứng vịt mà tôi băng đồng đem đếm lại cho tiệm tạp hóa, anh mới có ngày "áo gấm về làng". Những năm sau đó, nhà vẫn nuôi vài con vịt đẻ để lấy trứng ăn hằng ngày, những lúc ăn không hết má thường dùng làm bánh bông lan hay đem cho hàng xóm. Mà không hề bán. Anh Tư ra trường được 8 năm thì bị đột quỵ mất. Hôm đanh Tư mất trời mưa dữ lắm, bầy vịt sổng chuồng kêu tao tác. Má cất hết mấy thứ liên quan đến anh Tư để ba không khóc mỗi khi thấy vật nhớ người. Má không nuôi vịt từ dạo đó, má sợ giữa tiếng vịt kêu là một tiếng khóc từ đâu vọng lại.

Thời gian cứ trôi đi mải miết, mỗi lần đám giỗ anh Tư má đều nhắc về bầy vịt đẻ trong kí ức. Sau ngần ấy năm, tôi và má vẫn không quên những tháng ngày ấy. Cái bờ ao năm nào dường như vẫn còn những dấu chân của bầy vịt năm xưa. Những tiếng kêu vẫn cứ âm thầm vọng về trong vô thức.

Sáng ra tôi lại cùng má nhặt những trứng vịt đẻ trong chuồng, cầm cái trứng vịt to tròn, bóng nhẫy lại thấy lòng mình rưng rưng một miền kí ức không thể mờ đi. Hỏi sao má nuôi vịt lại, má không sợ tiếng vịt kêu, không sợ mỗi sáng ra nhặt trứng, không sợ lúc ba say về ngồi gục khóc bên bàn thờ anh sao. Má chỉ cười, đó giờ có quên đâu mà nhớ..

Bầy vịt lại tao tác mỗi sáng khi có bàn chân vào nhặt trứng..

NGUYỄN CHÍ NGOAN

(Huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang)