I. SỰ RA ĐỜI CỦA THÀNH NGỮ “CÔNG TỬ BẠC LIÊU” “Tôi đã đến cái xứ sở quê mùa ấy vào một đêm cuối mùa mưa… Cảnh tượng vẫn một màu sắc Nam kỳ với những chiếc xe lôi cục mịch, với những chiếc xe kéo cao lêu nghêu, chật hẹp và dài cán; đàng xa, trên sông, thấp thoáng những chiếc ghe bầu, ghe lườn. Chính tỉnh lỵ không có gì là lớn. Vỏn vẹn chỉ có dãy phố quanh chợ và bến sông là vui vẻ, tấp nập. Tất cả, có lẽ chỉ bằng một khu chợ Gạo Hà Nội. Nhưng nhờ trong xứ sở lúa sản xuất nhiều, đường giao thông lại tiện lợi nên đã thành một tâm điểm kinh tế rất năng động.…Dù sao, đừng tưởng rằng châu thành Bạc Liêu buồn tẻ như những tỉnh nhỏ ngoài Bắc mình. Trái lại, Bạc Liêu là một đất ăn chơi. Trong châu thành có tới ba rạp chiếu bóng và một rạp hát nguy nga hơn những rạp hát Hà thành nhiều. Nhà cửa cho thuê hiếm và không được lịch sự, nhưng ở bên kia sông, về phía nhà thờ, có nhiều vi-la mới xây của mấy vị điền chủ coi vậy cũng đẹp mắt. Chợ lập giáp sông, không đồ sộ như chợ Bến Thành – Sài Gòn, không rộng rãi như chợ Đồng Xuân – Hà Nội, nhưng tươi sáng, sạch sẽ hơn. Tết đến, trong mấy ngày chợ đêm, ghe ở các tỉnh chở những hàng lên bán tấp nập, ồn ào không kém gì những thành phố lớn…”.Trên đây là trích đoạn bài báo “Đây, Bạc Liêu” của Tạ Như Khuê, đăng trên tuần báo Thanh Nghị, ra ngày 11/3/1994. Đó là một cái nhìn của một nhà báo ở Hà Nội đối với quang cảnh kinh tế – xã hội của Bạc Liêu vào nửa đầu thế kỷ 20. Ông gọi “Bạc Liêu là một đất ăn chơi…”. Hẳn nhiên, đất ăn chơi thì phải có những con người ăn chơi.Năm 1895, dân số của tỉnh Bạc Liêu (tính luôn tỉnh Cà Mau ngày nay) chỉ có 46.498 người. Điều đó nói lên rằng, đất Bạc Liêu vẫn chưa được khai thác bao nhiêu, phần lớn còn lại vẫn còn hoang địa. Trước năm 1882, con đường từ Bạc Liêu đi Cà Mau chỉ là một con lung ngoằn ngoèo nằm giữa đồng cỏ bao la, có đoạn ghe đi không được phải dùng trâu kéo. Mùa hạn, từ Cà Mau lên Bạc Liêu phải mất ba ngày. Sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của Sơn Nam viết: “Nhà nước giúp dân bằng việc cặm cây làm dấu chỉ đường đi… Năm 1902 trở về trước, có rất nhiều người tham vọng đến đây khai phá để làm điền chủ đành phải cuốn nóp ra đi vì đất đai quá phèn, quá úng, không có kênh mương thoát nước xổ phèn, làm 2 – 3 năm vẫn chưa thu được huê lợi. Một người đến Tân Hưng khẩn 160 mẫu đất, thiếu thuế Nhà nước rồi bị bỏ tù, hương chức làm dán yết thị, rao bán đất ấy để bù tiền thuế nhưng không ai thèm mua. Nhiều người khai phá “đất ráng” ven sông cho tiện việc xổ nước thì đến vụ lúa trổ, nước mặn tràn lên lúa trổ cờ trắng, không thu hoạch được”.Nhà văn Sơn Nam, trong sách ấy, đã đánh giá rằng: “Mức trưởng thành của Bạc Liêu, khi chuyển mình đóng góp vào vựa lúa miền Nam, có thể đánh dấu vào năm 1914…”. Đó là lúc hệ thống kênh thủy lợi Cà Mau – Bạc Liêu, Quản Lộ – Phụng Hiệp… phát huy tác dụng. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với thâm ý vơ vét thuộc địa, người Pháp đã bắt nhân công bản xứ cho cơ giới (tàu cuốc, tàu xáng) của giới tư bản Pháp đào một hệ thống thủy lợi chằng chịt ở miệt Hậu Giang (theo cách gọi vào đầu thế kỷ, vùng này được tính từ tả ngạn sông Mê Kông trở xuống mũi Cà Mau). Đây là một cuộc làm thủy lợi lớn nhất trong lịch sử làm nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, nó giải phóng năng lực cho một vùng đất rộng lớn của miền Hậu Giang cò bay thẳng cánh, bằng việc đưa nước ngọt từ sông Mê Kông về và tháo úng xổ phèn ra biển Đông. Tại Bạc Liêu, cơn lụt thường niên vào tháng 8 âm lịch ngập đến bụng trâu đã được giải quyết. Việc tháo úng cho những cánh đồng cầm thủy, phèn vàng quánh của vùng Bắc Quốc lộ 1A ngày nay cũng được giải quyết, bởi đã có con kênh Gành Hào và các kênh trục như: Số 2, Cầu Sập – Ngan Dừa, Hộ Phòng – Phó Sinh… để tiêu thoát nước ra biển Đông. Ngoài ra, hệ thống kênh mương còn làm cho việc vận chuyển lúa gạo dễ dàng hơn. Đất đai trở nên có năng suất và có giá trị hơn, người ở nơi khác đến khẩn đất ngày càng nhiều thêm. Diện tích khẩn hoang tăng rất nhanh, năm 1927, diện tích sản xuất lúa của Bạc Liêu đứng thứ nhì Nam phần, chỉ sau Rạch Giá.Thế nhưng, nếu chính sách điền địa thời đàng cựu của các chúa Nguyễn là ai có nhân lực, vật lực thì tự do là trưng khẩn. Và khi khai hoang một diện tích đủ thành lập làng mới thì cho người đó làm trưởng làng (Hương cả) thì người Pháp (miệng thì rêu rao đổi mới chính sách điền địa) vẫn giữ như cũ, với mục đích thu thuế nhanh. Chính sách đó đã tạo ra những ưu thế của những người có tiền của và quyền thế. Họ nắm rõ kế hoạch đào kênh nên chiếm trước những vùng đất mà kênh xáng đã đào hoặc chuẩn bị đào ngang. Họ dùng quyền thế để “khẩn hoang trên giấy”. Nghĩa là cướp đất của người đi khẩn hoang bằng cách xin chính quyền thực dân cấp đất cho họ trên các mảnh đất mà lưu dân khẩn hoang đã khai thác rồi. Thế nên, thành quả của công cuộc làm thủy lợi nêu trên chỉ tập trung vào tay một nhóm người có của cải và thế lực. Từ đó, một tầng lớp gọi là đại điền chủ ở Bạc Liêu ra đời.(Baobaclieu)