1948: Một giai đoạn mới

Vậy là chiến tranh thế giới 2 cũng đã chấm dứt.

Những con số thống kê khiến nhân loại phải bàng hoàng về sức tàn phá của chiến tranh. Nhưng dù thế nào đi nữa, nó chẳng thể dập tắt được ngọn lửa cuồng nhiệt của người hâm mộ đối với bóng đá. Các hoạt động thể thao dần trở lại bình thường. Người ta vẫn đến sân vận động các chiều thứ 7, hò reo cuồng loạn cùng trái bóng tròn. Highbury hàng tuần đều đặn tiếp đón gần 30000 cổ động viên. Họ thật sự đã làm nên sự phấn khích, động viên đối với các cầu thủ.

Mùa bóng đầu 1946 - 47 không được khả quan cho lắm với vị trí 13 chung cuộc nhưng bù lại câu lạc bộ chào đón hai gương mặt mới về sau rất nổi tiếng là Ronnie Rook và Joe Mercer. Mùa giải sau có thêm Tom Whittaker xuất hiện trên băng ghế huấn luyện viên. Đó là những nhân tố mới tạo nên sức mạnh cho đội bóng.

Giáng sinh 1947... Đã hơn 60 năm kể từ ngày Arsenal được thành lập ở phía Nam dải sông Thames. Họ là một trong những câu lạc bộ có bề dày lịch sử cũng như thành tích nhiều nhất Anh quốc. Chiến tranh đi qua như cơn bão lốc, đã có bao nhiêu chàng cầu thủ xuất sắc, những cổ động viên cuồng nhiệt phải khoác lên mình bộ quân phục để rồi biến mất trong làn khói súng đạn? Arsenal đã từng ngự trị trên đỉnh cao nhất của bóng đá Anh quốc nhưng giờ đây họ lại trở về vạch xuất phát, cùng đối diện với những khó khăn chung như các đội bóng khác...

Lẽ thường trong dịp Giáng sinh, bóng đá sẽ phải nhường chỗ cho các sở thích như mua sắm, du lịch... Có bao nhiêu công việc cũng như nghĩa vụ trong dịp này! Thế nhưng đó không phải là giáng sinh 1947 khi có đến 58000 người đổ đến sân Roker Park để xem Sunderland và Arsenal thi đấu. Trận đấu đó không thật sự thành công lắm bởi Arsenal đã suýt thua. May mắn thay chỉ còn 10 phút nữa hết giờ thì Bryn Jones nhanh chân ghi bàn gỡ hoà 1-1.

Nhưng trận hòa đơn giản chỉ là một trận hòa, Arsenal vẫn luôn khiến cổ động viên hài lòng với những màn trình diễn của mình. Ngược lại, ban quản trị câu lạc bộ cũng rất vui bởi với sự ủng hộ đông đảo như thế, tiền chảy về sân Highbury đủ để đội bóng có thể tồn tại trong những tháng ngày khó khăn đó. Thời gian ấy, Arsenal là một trong những câu lạc bộ có số người hâm mộ nhiều nhất và luôn có một đám đông cổ vũ cho họ ở bất cứ nơi nào Arsenal thi đấu. Ngày đầu năm mới 1948, Arsenal viếng thăm Maine Road để thi đấu với Manchester United, kình địch của đội bóng sau này (dĩ nhiên, còn tại thời điểm đó Man đỏ chưa là cái gì cả so với Arsenal). Cổ động viên hai đội bóng đã thiết lập một kỉ lục của giải bóng đá Anh với 83260 người kéo đến sân vận động!

Điều đó lí giải thành công của Arsenal mùa giải đó. Đội bóng không để thua bất cứ trận đấu nào số 17 vòng đấu đầu tiên, trong đó gồm loạt 6 trận thắng liên tiếp đầu mùa. Ronnie Rooke dẫn đầu danh sách phá lưới với 33 bàn thắng. Cúp vô địch lại một lần nữa trở lại chốn quen thuộc trong sự vui mừng của các cổ động viên Arsenal. Họ đã không phải thất vọng!

Thành tích mùa bóng 1947-1948

Trận: 42

Thắng:23

Hòa: 13

Thua: 6

Bàn thắng: 81

Bàn thua: 32

Điểm: 59

Vị trí: 1

1950​

Cúp FA trong con mắt người Anh, xét theo một góc độ nào đó còn danh giá hơn chiếc cúp vô địch giải hạng Nhất. Đó là giải đấu lâu đời nhất thế giới và quy tụ tất cả các đội bóng xứ sở sương mù. Thực tế là các trận đấu tranh cúp FA luôn thu hút đông đảo sự chú ý của mọi người. Thế nên các cổ động viên của Arsenal chẳng hề phiền lòng chút nào với 2 trận thua của đội nhà trước Liverpool trong giải vô địch Anh 1949-50.

Hai trận đấu đó sẽ nhanh chóng trôi vào dĩ vãng bởi trận đấu thứ 3 giữa 2 đội mùa giải đó mới đi vào lịch sử. Ngày 29/4/1950 Arsenal đã đánh bại Liverpool trong trận chung kết FA với tỉ số 2-0 để lần thứ 3 đoạt lấy chiếc cúp bạc mang về London.

Trước trận đấu có chút ít lúng túng: cả hai đều nổi danh với chiếc áo đỏ truyền thống. Sẽ phải có sự thay đổi trang phục. Arsenal bước ra sân với bộ áo vàng (về sau rất nổi tiếng, tuy nhiên quần trắng chứ không phải quần xanh như ngày nay) trong khi Liverpool mặc bộ quần đen áo trắng. Nhưng dù diện thế nào Liverpool vẫn là kẻ thua.

Trang phục không chỉ là điều bận tâm duy nhất, điều khiến Tom Whittaker đau đầu chính là Reg Lewis. Dường như anh chàng này rất biết vị thế ngôi sao của mình nên chả mấy khi anh thi đấu một cách tích cực. Tom Whittaker khá nhiều lần phải thay Reg Lewis ra bởi anh đi trên sân với bộ mặt ngái ngủ! Nhưng đó là một tay ghi bàn cừ khôi, chẳng có ai phủ định được điều đó. Cuối cùng Tom Whittaker quyết định đánh cược vào Lewis và anh đã chứng minh giá trị với 2 bàn thắng chia đều cho mỗi hiệp đấu.

Arsenal -  Những vinh quang mới sau chiến tranh 1945-1953 Image102

Niềm vui chiến thắng​

Con đường tới cúp FA​

Vòng 3: Arsenal - Sheffield Wednesday 1-0 (Lewis)

Vòng 4: Arsenal - Swansea Town 2-1 (Barnes, Logie)

Vòng 5: Arsenal - Burnley 2-0 (Compton D, Lewis)

Vòng 6: Arsenal - Leeds United 1-0 (Lewis)

Bán kết: Arsenal - Chelsea 2-2 (Compton L, Cox)

Đá lại: Arsenal - Chelsea 1-0 (Cox)

Chung kết: Arsenal - Liverpool 2-0 (Lewis (2))

Năm 1950 còn ghi dấu một kỉ lục thú vị: cầu thủ Leslie Compton của Arsenal trở thành cầu thủ già nhất ở lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia trong lịch sử bóng đá. Ngày 15/11/1950 anh thi đấu cho đội tuyển Anh đá với xứ Wales ở tuổi 38!

Arsenal -  Những vinh quang mới sau chiến tranh 1945-1953 Image103

Leslie Compton

1951​

Arsenal kết thúc mùa giải 1950 – 51 với vị trí thứ 5 chung cuộc. Mọi việc có thể sẽ rất khác nếu như Doug Lishman, chân sút chủ lực của họ khi đó không sớm bị chấn thương.

1953​

Trong bóng đá cần phải có một chút ít may mắn, những may mắn mà ta không thể ngờ tới trước. Mùa giải 1952-53 các pháo thủ liên tục nã đạn vào đối thủ nhưng có mấy ai biết rằng số bàn thắng mà họ ghi được sẽ giúp họ mang vinh quang về sân Highbury? Chắc hẳn Preston North End phải rất cay cú vì họ đã mất cúp vô địch chỉ bởi kém Arsenal số bàn thắng trung bình mỗi trận!

Đó là một mùa bóng đáng nhớ. Arsenal thể hiện một lối đá uy lực, nhất là qua 2 trận thắng đội bóng láng giềng đồng thời cũng là đối thủ truyền kiếp Tottenham cả lượt đi lượt về, với tỉ số 3-1 tại White Hart Lane và 4-0 tại Highbury. Nhưng Preston cũng tỏ ra uy lực không kém và suốt mùa bóng họ luôn bám đuổi Arsenal sát nút.

Mùa giải chỉ còn 2 vòng đấu, Arsenal 52 điểm trong khi Preston cũng đã kiếm được 50 điểm. Họ sẵn sàng chờ đợi Arsenal tại Deepdale trong vòng đấu áp chót. Thế rồi các chàng pháo thủ đi và về với 2 bàn tay trắng. Preston đánh bại họ với tỉ số 2-0 và trận đấu cuối cùng vượt qua Derby trong trận đấu giữa tuần để có trong tay 54 điểm.

Mọi ánh mắt đổ dồn về Highbury. Hơn ai hết các cầu thủ Arsenal hiểu rõ trận đấu cuối cùng với Burnley quan trọng đến thế nào. Họ phải thắng nhưng Burnley đâu phải đội bóng dễ xơi. Câu lạc bộ này đang đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng và hoàn toàn không phải là đội bóng yếu. Sân nhà Highbury là hi vọng lớn nhất của Arsenal. Thế nhưng oái ăm thay, vừa vào trận được 3 phút Joe Mercer đã sút tung lưới nhà! Cả vùng Deepdale hò reo cuồng loạn như thể chiếc cúp vô địch đã về với họ vậy. Nhưng Arsenal là Arsenal và 30 chưa phải là Tết. Bàn thua chỉ khiến các cầu thủ thêm kích thích, họ ào lên như cơn cuồng phong.

Logie,Forbes, Lishman liên tiếp ghi bàn đảm bảo chiến thắng cho Arsenal. Burnley gỡ thêm một trái ở hiệp 2 nhưng vô ích, Arsenal đã kiếm được 2 điểm trọn vẹn. Sân Highbury rộn ràng niềm vui bởi với tỉ số đó, Arsenal là người chiến thắng trong cuộc đua với Preston.

Theo cách tính số bàn thắng trung bình mỗi trận, hiệu số dương 0.099 = 1.516 (Arsenal) - 1.417 (Preston) đã chỉ ra ngôi thứ mùa bóng đó. Arsenal là nhà quán quân! Với 7 chiếc cúp, đội bóng đã lập nên kỉ lục tại giải hạng Nhất về số lần vô địch.

Thống kê mùa giải

Trận: 42

Thắng: 21

Hòa: 12

Thua: 9

Bàn thắng: 97

Bàn thua: 64

Điểm: 54

Vị trí: 1​

64 bàn thua là một con số kỉ lục nhưng dù sao chiếc cúp đã trở về miền Nam.