Thân gửi các bạn sinh viên những trăn trở khó khăn của thời áo trắng.

Các bạn sinh viên ngày nay thì có thể nói là sáng sửa và tương đối đầy đủ hơn thời chúng tôi. Như cũng không có những khó khăn có rất nhiều bạn phải thức khuya, dậy sớm, làm thêm …lo lắng gánh vác cho gia đình. Đây không phải là một chủ đề to tát hoặc mới mẻ gì, nhưng tôi trăn trở nên chia sẻ, thế thôi!

Tôi nhớ trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Phan Việt có đoạn: “Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”. Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của tác giả. Tôi đặt tên cho khoảng thời gian ấy là Tuổi Trẻ. Chẳng phải dưới 18 hoặc trên 25 thì không trẻ nữa, nhưng tôi thấy 8 năm ấy mới thật sự là đẹp nhất của giai đoạn tuổi trẻ. Ở cái tuổi ôm trọn thời sinh viên này, lẽ ra các bạn phải dấn thân thật nhiều, trằn trọc, suy tư thật nhiều về cuộc đời, về xã hội, về dân tộc,… thậm chí mất ăn mất ngủ, thao thức đêm dài.

Cứ mỗi lần tiếp xúc với các bạn sinh viên là tôi lại đau đáu trong lòng. Những câu hỏi các bạn đặt ra cho tôi nhiều khi khiến tôi phát bực nhưng phải làm chủ cảm xúc để giữ thái độ bình tĩnh. Hoặc cũng không ít lần khi nghe hỏi xong, tôi chỉ biết cười trừ vì thật sự không biết phải trả lời sao cho thỏa đáng nữa. Tôi xót xa không biết tại sao những câu hỏi ấy lại được nêu lên dù biết là không nên vùi dập từ trong trứng nước, cần khuyến khích dám đặt câu hỏi khi có thắc mắc vì đó là cách rất hay để học hỏi. Nhưng thông qua những câu hỏi ấy, tôi thấy một thực trạng tư duy kém cỏi, thiển cận và bị động đang ăn sâu vào trong nhiều bạn sinh viên.

Than vãn rồi cũng thế thôi, bây giờ cần phải làm gì đây? Câu hỏi này quả là rất rộng và quá khó với tôi. Nhưng nếu chỉ được chọn một điều duy nhất để chia sẻ với sinh viên, trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải CHỦ ĐỘNG. Các bạn còn bị động quá, điển hình là mỗi khi tọa đàm (tức là một dạng hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm), tôi hỏi là có ai có câu hỏi gì không thì chỉ một sự im lặng đáng sợ xuất hiện. Tôi hỏi tại sao thì các bạn nói rằng đến đây để được nghe anh chia sẻ gì đó. Các bạn ơi, cần phải thay đổi tư duy ngay đi, CHỦ ĐỘNG lên. Đừng ngồi đó mà mong người ta đem thành công đến với bạn. Đừng chỉ biết nộp đơn rồi cầu mong nhà tuyển dụng gọi điện và mời bạn ký hợp đồng. Đừng mỗi ngày chỉ có đến trường rồi quay về nhà mà mong mình sẽ tỏa sáng trong sự nghiệp sau này. Đừng kêu than oán trách việc giáo dục đại học thế này thế kia, thiếu thực tiễn, toàn lý thuyết,… Ai cũng có công việc và trách nhiệm của họ thôi. Nhiệm vụ của bạn là học và hãy biết nỗ lực học một cách chủ động. Nó xuất phát từ ý thức “Ta là sản phẩm của chính mình” để chuyển vai trò đầy tớ sang vai trò ông chủ của quá trình học. Chính bạn mới là người đề ra những cái mình cần học dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc những người trước, rồi nỗ lực học tập bằng phương pháp học sáng tạo. Sự học cũng cần mở rộng cách nhìn nhận. Không phải cứ phải có cái bàn, cái ghế, quyển vở, cây bút thì mới gọi là học. Học ở bất kì đâu, học từ bất kì ai. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá, phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có muốn hay không thôi?

Vài trăn trở của một người trẻ tuổi gửi đến Tuổi Trẻ. Giai đoạn 18 – 25 thật đẹp, đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu mờ của xã hội.


____________________
cung cấp vòng bi timken, vòng bi ntn, vòng bi fag chính hãng