Cha và con gái

Tác giả: Call me TT

Tự Truyện - Cha Và Con Gái - Call Me Tt 2z38fWL


Ngày đầu đi học mẫu giáo, tôi bị bạn bè trêu chọc vì chiếc cặp bé tí tẹo phình to, nôm như một quả bóng tròn vo trên lưng một chú lùn bé nhỏ, trông đến thật là buồn cười. Lúc đón tôi, cô giáo đã trách cha vì lý do cho quá nhiều đồ vào cặp. Lúc ấy, tôi chỉ mới năm tuổi, nhỏ bé, ốm yếu và ngờ nghệch. Chỉ thấy cha nói chuyện gì đó với cô, rồi nhìn tôi lắc đầu đầy buồn bã. Có một lần tôi thấy cô xin lỗi cha, nhưng tôi không biết nguyên nhân vì sao. Mãi sau này khi đã lớn, nghe người lớn nói lại tôi mới rõ. Đó là khi cô hiểu ra những lời cha nói ngày ấy, rằng cơ thể tôi yếu ớt đến nhường nào, và trong chiếc ba lô cha sửa soạn cho tôi đến lớp, chẳng có món đồ nào là thứ dư thừa phải bỏ lại cả. Dù rằng không thật sư mong muốn, nhưng cha buộc phải mang chúng theo bên người tôi vì chắc chắn là lúc nào đó sẽ cần đến. Lần đầu làm cha, nhưng con lại là một đứa trẻ đau ốm nhiều bệnh.

Lần khai giảng vào năm lớp một, hết thảy bạn bè tôi đều có người thân bên cạnh đi cùng, không bố thì mẹ, không anh chị em thì bà con cô dì, lắm đứa còn được cả đại gia đình đi theo chung vui cùng. Trông nét hân hoan và rạng ngời trên từng khuôn mặt, giọng nói nhỏ bé của những đứa trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, dạn dĩ hơn và tự hào hơn ngày thường thật nhiều, bởi vì chúng biết chúng đang có một điểm tựa vững chãi, có một bệ đỡ an toàn. Chúng biết chúng đang hơn khối đứa bạn cùng trang lứa ngay lúc này, những đứa khóc inh ỏi vì sợ sệt, vài đứa bơ vơ chờ người thân đang trên đường quay lại vì nãy bận đi đâu đó, vài đứa đưa ánh nhìn thèm thuồng, tò mò về phía chúng trông đầy ngưỡng mộ, rồi lại có những đứa chẳng có ai bên cạnh ngay lúc này, như tôi chẳng hạn. Cha bảo cha bận làm việc nên sẽ nhờ người quen đưa tôi đi khải giảng. Nhưng cô người quen chỉ kịp chở tôi đến cổng rồi vội vã rời đi ngay sau khi nghe một cuộc điện thoại đột xuất. Lời xin lỗi của cha từ mấy hôm trước, và lời xin lỗi của cô còn nguyên lúc nãy vẳng bên tai mà tôi chẳng thể kịp nhớ, trong lúc tôi còn ngờ nghệch chưa thể hiểu những bước chân vội vãi rời đi của cô nghĩa là gì. Nhưng có một điều chắc chắn là tôi sẽ chỉ có một mình, ngay lúc này, giữa rừng người đầy xa lạ. Nhớ lại những điều này, lúc ấy, tôi đã nghĩ mình thật đáng thương và cha thì thật đáng giận, tôi đã thật sự giận dỗi cha một thời gian lâu thật lâu sau đó, bởi tôi tin rằng chẳng có một lý do nào được coi là chính đáng cho việc bỏ rơi tôi một mình trong một ngày quan trọng với tôi như thế. Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ biết rằng xuyên qua dòng người đông đúc ấy, có một người đàn ông gầy gò, mái tóc ngả màu nắng rối bù và đầy mồ hôi, cùng với bộ đồ xanh nhạt đã sờn vai, nhạt màu và cũ kĩ, lấm đầy dầu nhớt đang yên lặng nhìn tôi từ bên kia đường. Người đó đã vội đến mức không kịp thay lấy một bồ đồ sạch sẽ hơn, người đó không đủ can đảm để chạy đến ôm lấy tôi trong một bộ dạng nhếch nhác như thế. Nhưng người đó lại bỏ dở công việc đang làm để chạy đến chỉ để ngắm tôi một lát, người đó vội vã vì sợ tôi cô đơn.

Lúc nhỏ chưa hiểu chuyện, lại cảm thấy thật xấu hổ vì con diều giấy trắng cha làm không được đẹp mắt như những con diều hình phượng của các bạn. Dù rõ ràng, con diều trắng của tôi, bằng một cách thần kỳ nào đó luôn bay cao hơn trên nền trời xanh thẳm. Giữa hàng đống con diều sặc sỡ và giống nhau ấy, chiếc diều mộc mạc và đơn sơ trở thành niềm tự hào và hãnh diện to lớn cho chủ nhân của nó, trước những con mắt trầm trồ của người khác. Con diều của tôi đã chứng minh được rằng vẻ bề ngoài lúc ấy đã chẳng còn quan trọng đến thế với tất cả mọi người.

Lúc nhỏ chưa hiểu chuyện, cảm thấy cha thật keo kiệt vì không cho tôi ăn những món ăn vặt ngoài đường. Dù cha biết rằng đó đều là những món tôi vô cùng thích, nhưng cha càng biết rõ hơn là tôi sẽ đau bụng sau mỗi lần ăn chúng.

Khi đã lớn, tôi phấn đấu học hành chăm chỉ. Tôi muốn mua cho cha một món quà nào đó từ số tiền kiếm được nhờ đạt giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi, nhưng cha chỉ bảo tôi đừng mua, cha không thiếu thốn thứ gì cả, cha bảo tôi hãy lấy tiền đó mua những thứ tôi muốn, cha thực sự không cần quà.

Khi đã lớn, tôi muốn phụ cha nấu cơm, nấu cám, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng cha chỉ cười "Rồi sau này con sẽ làm khi có một gia đình nhỏ của riêng mình, còn giờ thì chưa được". Sau này của tôi, là đến tận khi đã thành một thiếu nữ phổng phao xinh đẹp, mớ quần áo không mấy sạch sẽ những ngày hành kinh đau đến không chịu được cũng là cha giặt hộ, chén bát cũng chẳng bao giờ cha để tôi rửa. Tôi đùa rằng nếu cứ như thế tôi sẽ chẳng thạo được việc nhà. Nhưng cha chỉ cười hiền rồi bảo ông chỉ muốn tôi được sung sướng trong những ngày tháng khi còn có thể, ông tin rằng đứa con gái hiếu thảo và hiểu chuyện như tôi chắc chắn biết làm chứ không bao giờ biếng làm.

Bảo bọc là thế, nhưng tôi vẫn là một con ma ốm, một con ma ốm lúc nào cũng khiến người lo.

Số lần ốm đau không sao đếm xuể, những ngày xin nghỉ phép vì bệnh trở thành điều quen thuộc của mỗi năm học. Tôi quen với mùi thuốc đắng, quen với kim tiêm, quen vị trí ven truyền nước, và quen với những trận sốt đến lả người, chẳng còn tỉnh táo, nhưng kỳ lạ là tôi vẫn cố gắng thều thào số điện của cha. Những lần ngất trên trường phải nằm ở phòng y tế, khi tỉnh lại tôi vẫn luôn gọi tên cha. Cha cõng tôi ra xe đi bệnh viện, nhưng bước chân ấy đã không còn vững vàng như ngày xưa nữa rồi. Tôi là một con ma ốm, nhưng tôi quên nhận ra, cha từ khi nào cũng đã thành một con ma ốm ngày vài mớ thuốc của đủ thứ bệnh tật, của tuổi già, của lao động đến kiệt sức. Tháng năm dần trôi, người cõng tôi qua những va đập và hệ lụy của cuộc đời, cũng dần già đi.

Buổi đó, tháng sáu thức giấc, hành trình chạm đến cánh cổng đại học của tôi bắt đầu bằng nụ cười động viên của cha, và cái nắm tay ấm áp khi cha dẫn tôi sang đường trong ngày thi cuối cùng.

Tôi xa nhà, mang theo mớ rau con cá cha dành cho để lên phố thị đèn xe đông đúc không có giờ để ngủ. Mang theo bóng hình người đàn ông coi tôi là cả thế giới, người cho tôi những bao dung giản dị, người luôn lắng nghe và xoa dịu những đau thương cuộc đời. Người mà tôi biết chắc sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi tôi dẫu có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, người sẽ dang rộng vòng tay ôm lấy để vỗ về những đớn đau tâm hồn.

* * *Gửi cha, người con coi là tất cả..

Hết.