Tình Yêu Trong Văn Chương Bình Dân Ca-dao-tuc-ngu-ve-tinh-yeu-2

Tự cổ chí kim, tình yêu luôn là đề tài muôn thuở của con người, cho dẫu sống trong thời đại nào, xã hội nào, giai cấp nào, trí thức hay ít học. Chế độ tư bản hay cộng sản, vô thần thì tình yêu cũng luôn hiện hữu, chỉ khác cách thể hiện... Thế nên ta có thể dễ dàng tìm ra trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam rất nhiều câu, thậm chí cả những bài ca dao khá dài diễn tả tình cảm của đôi lứa yêu nhau, từ khi hai người mới biết hay đã thành vợ thành chồng, và cả những nỗi nhớ nhung khi vừa mới “phải lòng” nhau, khiến cho người nhớ nhung đó cũng thấy lạ cho chính mình như:

Lạ sao gió mát sau lưng

Lạ sao dạ nhớ người dưng thế này

Hay nỗi nhớ đã đi vào tâm khảm cô gái khiến nàng chẳng còn thiết tha với những gì quen thuộc hàng ngày như:

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai

Hay nỗi nhớ xót xa đến độ

Nhớ ai em những khóc thầm

Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa

Còn phía chàng trai thì thế nào nhỉ, có lẽ chàng cũng thắc mắc về người mình đang mong nhớ, nên phải dọ thử một câu:

Ta về mình nhớ ta chăng

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

Có khi nỗi nhớ nghe chừng cũng khá “nặng ký” nên chàng đã phải thốt nên lời như:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Hay còn hơn thế nữa, như:

Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than

Rồi khi đã yêu nhau, nhưng chắc là còn giấu giếm cha mẹ nên đành phải nói dối, khi được hỏi lý do tại sao lại mất chiếc áo của cha mẹ sắm cho mình

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay

Tình yêu cũng được thể hiện qua sự chăm sóc, luôn muốn dành phần hơn, phần tốt đẹp cho người mình yêu thương

Yêu nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười

Hoặc

Yêu ai yêu cả lối đi

Ghét ai ghét cả tông ti họ hàng

Đôi khi chàng trai bày tỏ ước muốn với người mình yêu bằng những hứa hẹn nếu nàng ưng thuận, ví dụ sẽ như mua cả gạch gốm Bát Tràng, chỉ để xây hồ chứa nước cho người mình yêu rửa chân mà thôi (làng gốm Bát Tràng nổi tiếng về những sản phẩm của mình, và có lẽ chỉ những nhà khá giả thời đó mới dùng chén, bát bằng gốm, còn thì nhà nghèo chỉ dùng đồ bằng đất nung thường) Và dặn dò kỹ lưỡng rằng không được soi bóng mình dưới nước, để “rửa lông mày”, bởi nàng đẹp đến nỗi cá mãi ngắm nàng nên quên cá thở, phải chết

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng

Ứớc gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây

Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

Có rửa thì rửa chân tay

Chớ rửa lông mày chết cá ao anh

Hay gián tiếp tỏ tình, và cho người con gái biết mình hãy còn độc thân, và hứa hẹn sẽ lo cho việc cưới xin như thế nào

Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng

Khâu rồi anh sẽ trả công

Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho

Giúp em một thúng xôi vò

Một con lợn béo, một vò rượu tăm

Giúp em đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo

Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau

Hoặc tỏ tình với người yêu bằng những câu như

Hôm qua anh đến chơi nhà

Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm gi.ường

Thấy em nằm đất anh thương

Anh về mua chiếu mua gi.ường cho em

Như một cách tỏ tình muốn nên duyên giai ngẫu với nàng, chứ làm gì có cha mẹ nào lại để con cái nằm đất còn mình lại nệm ấm chăn êm bao giờ. Hoặc lại một cách tỏ tình bằng những câu thơ trong “bài Ca Sao” để nói đến tình yêu của mình đối với nàng sâu đậm như thế nào, thương từ khi cha mẹ nàng mới thành đôi lứa, nghĩa là ngay từ khi nàng còn tron hư vô của đất trời, duyên đã tiền định cho ta yêu nàng rồi, và vẫn mãi yêu cho dù “Thương em chỉ có trời khuya nhìn về”

Sao tua chín cái nằm kề

Thương em từ thuở mẹ về với cha

Sao vua năm cái nằm xa

Thương em từ thuở người ra người vào

Sao khuê dăm cái nằm dài

Thương em từ thuở tình ngoài nghĩa trong

Sao măng năm cái nằm ngang

Thương em từ thuở mẹ mang đầy lòng

Sao đôi hai cái nằm chồng

Thương em từ thuở mẹ bồng mát tay

Sao hoa ba cái nằm xoay

Thương em từ thuở được vay nụ cười

Sao băng ngã xuống gầm trời

Thương em từ thuở mẹ ngồi nghĩ xa

Sao hôm le lói đầu hè

Thương em từ thuở em về với ai

Sao mai le lói ngọn cây

Thương em từ thuở về xây tình người

Sao vân xa tít đầu trời

Sao quanh cao ngất ngoài khơi

Sao vân muôn cái mịt mùng

Thương em từ thuở nghìn trùng cách chia

Sao quanh theo gót người đi

Thương em chỉ có trời khuya nhìn về

Thế nhưng tình yêu không phải lúc nào cũng được đáp trả theo kiểu “Tình Yêu đáp trả Tình Yêu”, đôi khi cũng gặp phải những cô gái đáo để, đưa ra những việc thách cưới khó khăn như:

Em là con gái nhà giàu

Cha mẹ thách cưới ra màu xinh sao

Cưới em trăm tấm gấm đào

Một trăm hòn ngọc

Hai mươi tám ông sao trên trời

Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi

Lại thêm chín chục con dơi góa chồng

Thách cưới kiểu “Trời ơi, Đất hỡi” như vậy, nhưng vẫn sợ người ta thấy mình kiêu kỳ sẽ bỏ đi tìm mối khác, nên vớt vát bằng câu hứa hẹn:

Anh về sắm nhiễu Nghi Đình

May chăn cho ấm đôi mình đắp chung

Hay như trong bài Nụ Tầm Xuân, nói lên sự tiếc nuối của người con trai khi biết người mình thương đã có chồng và lời đối đáp lại của người con gái đã có gia đình

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay

Và lời đáp lại của cô gái:

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra

Và không chỉ phía chàng trai mới là người luôn tỏ tình, thật ra các “Cụ Bà” ngày xưa cũng đâu có kém cạnh gì trong cách bày tỏ cho “Đối Phương” biết được nỗi lòng của mình như:

Người về em chẳng cho về

Tay níu lấy áo, tay đề câu thơ

Hay:

Chẳng tham ruộng cả ao liền

Chỉ tham cái bút, cái nghiên anh Đồ

Hoặc nói trại cái ước muốn của mình

Chẳng tham ruộng cả, ao liền

Chỉ thương cái nết mẹ cha anh hiền

Rồi có những chàng trai phải tha phương, đến miền đất lạ, lời tỏ tình nghe cũng rất đỗi dễ thương như:

Tới đây lạ xứ quen người

Trăm bề nhũn nhặn, đừng cươi tôi nghe

Vì bằng tình bén duyên thề

Thì xin kết bạn đền ghì Trúc Mai

Cô gái cũng cảm thương người trai xứ lạ nên đã đáp lại

Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai

Nước sông trong sao chảy lộn sông ngoài

Thương người xa xứ lạc loài tới đây

Tới đây thời ở lại đây

Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về

Và khi đã “xanh cây, bén rễ ” thì còn về đâu được nữa, tuy nhiên cũng có những trường hợp chàng trai thuộc loại “Phong Lưu” khiến cho cô gái phải than:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi

Thiếp như cơm nguội dành khi đói lòng

Và khi đã yêu thì nàng cũng: “Một liều, ba bảy cũng liều”:

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam

Ví dầu tình có dở dang

Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về

Và ngay cả khi vì một lý do nào đó hai người không thể sống chung, nàng vẫn tha thiết nói với chàng:

Một mai thiếp có xa chàng

Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin

Khi nói câu này, không phải là cô gái kia tham của, nhưng đôi bông là quà cưới của cha mẹ chồng, nên nàng trả lại, còn đôi vàng là của cải hai vợ chồng làm lụng mà có được, nên nàng xin giữ lại để nhớ đến tình nghĩa vợ chồng, cũng là một cách gián tiếp nói cho chồng biết là cha mẹ chồng khắt khe nàng không ở được, còn tình yêu thương dành cho chồng thì vẫn còn nguyên, ý của nàng là muốn chồng xin cha mẹ ra ở riêng.

Có những cặp vợ chồng lấy nhau từ khi còn rất nhỏ, theo ngày xưa: “Nữ thập tam, nam thập lục”, nên

Quả cau nho nhỏ cái vỏ vân vân

Nay anh học gần, mai anh học xa

Lấy nàng từ thuở mười ba

Đến nay mưới tám thiếp đà năm con

Ra đường thiếp hãy còn son

Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng

Ngoài chuyện yêu thương và nhung nhớ, tình yêu cũng thường có những cung bậc khác nhau, và thật ra, nếu tình yêu lúc nào cũng theo kiểu: “Thuận chèo, mát mái” thì đôi lúc cũng thấy nhàm chán, thế nên đôi lúc cũng cần phải có những ghen tuông, giận hờn đôi chút cho thêm thi vị, miễn là sự giận hờn hay ghen tuông đó đừng đi quá đà, cũng đừng quá tự ái, hay tự cao làm mất đi hạnh phúc của mình, đừng có kiểu “Già néo, đứt dây” để rồi sau đó khi mất đi rồi lại ngồi đó hối tiếc trong muộn màng. Thấy nàng bị bịnh (có lẽ vì giận thì đúng hơn), nên chàng mới bày tỏ:

Anh thấy em tương tư bịnh chắc

Anh chạy lại ông thầy thuốc bắc

Hốt thang thuốc về sắc

Tay run run anh vuốt ngực chung tình

“Chung tình ơi, chén thuốc kia nóng còn có khi nguội

Huống hồ chi hai đứa mình giận nhau

Chàng trai thiệt thà, đôi khi cũng gặp phải cô nàng quá quắt, chọc cho người ta giận rồi nói:

Em thấy anh tương tư bịnh chắc

Em rước ông thầy thuốc bắc

Hốt thang thuốc về sắc

Bỏ thêm một lát gừng sống

Một đống gừng lùi

Một nùi chuối hột

Một hộp đơn qui

Một ki trái táo

Năm sáu chục trái cà na

Thần sa một lượng

Khoai sượng một chục

Măng cụt một trăm

Rau răm một đám, cám một bao

Con gái rao rao mười hai đứa

Sứa lửa vài trăm

Huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm

Uống ba thang mà anh không mạnh

Em đào hầm em chôn luôn

Rồi có cả những chàng trai lỡ yêu một cô nàng nào đó, mà lỡ duyên không thành, do cô nàng không thủy chung, hay vì lý do chủ quan nào đó nên đã phải buông ra lời than:

Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây

Nhưng cũng có những chàng trai, tự chế diễu để nỗi đau trở nên nhẹ nhàng, thậm chí thành chuyện cười nhạo:

Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây cụt

Ai ngờ giếng cạn nên nó hụt sợi dây

Nếu qua đây không lấy đặng cô Tư mày

Qua chèo ghe ra biển...

Đợi nước lớn đầy... Qua chèo vô

Ngoài ra, tình yêu cũng lắm chuyện éo le đau lòng, khi lỡ thương một người nào đó, nhưng sau đó mới biết mình là kẻ thứ ba, người đứng bên lề cuộc đời của người mình yêu, nhất là đối với phụ nữ, nếu không muốn bị rắc rối, không muốn bị mang tiếng xấu, thì đành than trách một mình:

Rau răm đất cứng, dễ bứng khó trồng

Dầu thương cho mấy cũng chồng người ta

Hay

Rau răm ngắt ngọn lại trồng

Em thương anh lắm sợ lòng chị ghen

Tuy nhiên cũng có người vì quá yêu nên đành

Thương anh em cũng đánh liều

Đành như con trẻ chơi diều đứt dây

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng và có thể làm cho tình yêu trở nên bất tử vẫn là Lòng Thủy chung trong tình yêu... Có những mối tình khiến người nghe không khỏi bùi ngùi rơi lệ vì sự thủy chung son sắt, như chuyện nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá, những mối tình như:

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ

Và cả những mối tình đợi chờ trong vô vọng, bởi người ra đi chẳng để lại một lời, nhưng người ở lại vẫn luôn ôm trong lòng một nỗi nhớ nhung không bao giờ phai nhạt, cho dẫu hoàn cảnh cuộc sống có trôi nổi, đẩy đưa thế nào, trong tim người con gái ấy vẫn chỉ một bóng hình:

Sông dài cá lội biệt tăm

Phải duyên trời định, bao năm cũng chờ

Thực ra, tình yêu trong văn chương bình dân Việt Nam chúng ta vô cùng phong phú, chỉ nói chung chung, chưa kể đến những câu ca dao theo từng địa phương, từng vùng miền khác nhau, có thể nói tình yêu trong ca dao Việt Nam là một kho tàng, mà ở đó có vô vàn loại trang sức được làm bằng nhiều viên đá quý, hay bằng vàng, bạc, được chạm trổ tinh vi.

Nhân dịp Valentine sắp đến, xin góp nhặt đôi chút trong kho tàng bất tận đó, để tặng các bạn nhàn lãm trong những ngày Xuân.

Phạm Thiên Thu